Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội 36 phố phường

“36 phố phường”, khu vực Hà Nội tiêu biểu nhất, giờ là quận Hoàn Kiếm, hình thành trên các bến hữu ngạn sông Hồng xưa.

Lòng sông hồi trước ăn sâu vào đất, liền với hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm bây giờ, để lại những tên phố phường ướp đầy hương vị hàng hóa nơi xa được chở đến Kẻ Chợ bằng đường thủy: Hàng Buồm, Hàng Mắm, Hàng Muối, Cầu Gỗ, Chợ Gạo, Hàng Khoai...

Trong văn Thạch Lam thì êm ả, trong thơ Nguyễn Đình Thi thì sang trọng, chuyện ấy “cũ” rồi. Giờ đây, khu vực này đang lột xác, “sốt” suốt đêm ngày trong trận buôn bán.

Hàng hóa lưu thông ở khắp nơi, khắp chỗ, tràn sang Đống Đa, Hai Bà Trưng đông nghìn nghịt, “mò” cả vào quận Ba Đình, ngự địa bao đời nay. Ven thành Hà Nội, tức là mặt ngoài của doanh trại quân đội trung tâm hiện thời, cửa hàng cũng đã mọc ra nhan nhản. Chưa bao giờ cửa hiệu lại lợi hại, cao giá như bây giờ.

Vào đầu giờ sáng, Hà Nội chứng tỏ mình không còn là “thành phố xe đạp” như xưa. Công chức đi xe máy đến sở đông nghìn nghịt, chen lấn ô tô các “sếp”. Lác đác xe mang biển tư nhân.

Sau đó là giờ lưu thông của hàng hóa, nhiều và phong phú chủng loại đến mức làm chuyên gia Đông Âu sang công tác phải ngây ngất. Thương nghiệp phát triển cùng sự tồn tại của kinh tế tư nhân thay đổi mức sống, thị hiếu, thẩm mỹ.

Người ta không còn trọng nông khinh thương, sống khắc khổ, lấy tiết kiệm làm đầu. Cặp lồng cơm trưa mắc tay lái xe đạp hầu như biến mất, thế vào là hàng cơm bụi.

Sach A day roi Ha Noi 7 mon anh 1

Con gái Hà Nội từ xưa nổi tiếng đẹp. Quen với phấn son hơn, các cô trang điểm ngày càng tinh tế chứ không đến nỗi “bắt chước Sài Gòn” vụng về như mươi năm trước. Mặc đẹp, xài sang, mùa đông Hà Nội đã đủ sắc áo tươi rói chứ không rầu rĩ một mầu xanh công nhân, kiểu áo đại cán nghiêm túc.

“Buôn có bạn, bán có phường”, việc “phân công ngành hàng” theo khu vực trở nên tự nhiên. Khi nghề buôn làm thành phố đầy ắp hàng hóa thì chính quyền “tổ chức”, “quy hoạch” thế nào được.

Những nơi bán tạp hóa đủ loại ít dần. Một vài phố còn giữ được mặt hàng truyền thống: Lãn Ông bán thuốc bắc thuốc nam, Hàng Ngang Hàng Đào nghìn nghịt tơ lụa, quần áo may sẵn. Hàng Trống vẫn nhiều thợ may. Mấy hàng bánh kẹo, ô mai nổi tiếng cách đây nửa thế kỷ ở Hàng Đường lấy lại bảng hiệu cũ, gạt đi không hết khách.

Nhưng đa số giai tầng thương nhân đã tự sắp xếp lại “ngành hàng chuyên sâu” cho mình: Lương Văn Can - phố đồ chơi, Thuốc Bắc - phố hàng sắt, Bà Triệu - phố xe đạp ngoại, Nam Đồng, Hàng Bột - phố điện máy, Hàng Buồm - phố bia rượu, đồ hộp và bánh kẹo ngoại, Hàng Giầy - phố thuốc lá dởm, phố Huế - phố phụ tùng xe máy xe đạp, Phùng Hưng, Hàng Khoai, phố đồ điện gia đình.

Đất cô đầu nhà thổ Khâm Thiên giờ toàn thợ may. Một đoạn phố Quang Trung tập hợp ba chục tay kéo trẻ được gọi là “phố cắt tóc”.

Bên phố lớn, ngõ nhỏ trở thành cơ sở “hậu cần tại chỗ”, phục vụ kho bãi, ăn uống. Cơm bụi đâu đâu cũng có bởi người buôn không còn thì giờ đi chợ, vào bếp.

Ăn uống cầu kỳ hơn, có thể đến Tạm Thương, Tô Tịch, Hàng Hành. Ngõ Cấm Chỉ, nơi ngày xưa các triều vua hay để cái trống cho người oan ức đến đánh đặng quan lại ra phân xử, nay thành “phố gà tần”, bợm rượu có thể mua món chân và cổ đã hầm nhừ không thể rẻ hơn.

Chủng loại hàng đã được phân chia đại trà, đến từng phường hội lại được sắp xếp cho “hẹp” hơn. Ở phố vật liệu xây dựng Cát Linh, một chủ cửa hàng mới mở đã được vài ba hàng xóm mời lên tận khách sạn Thắng Lợi thưởng tiệc, kèm lời đề nghị chỉ nên buôn gạch ngói, “đừng động đến trang bị toa lét kẻo ảnh hưởng đến miếng ăn của chúng tôi”.

[…]

Khách bốn phương đến thủ đô thường ưa nhìn ngắm trục đường Hàng Đào - Hàng Ngang đến chợ Đồng Xuân. Tây đầm không chỉ thưởng ngoạn, có khi cởi trần trùng trục khệ nệ mang ba chục ký xà phòng đi tới đi lui vẫn chưa “hạ giá” được, cần thiết đứng tránh cả vào trong ngõ để mặc cả, toàn bằng ngón tay nhưng không lẫn bao giờ.

Nhiều chủ hàng trên trục phố này thuê những cô biết ngoại ngữ đứng bán. Ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt xuất hiện “chợ Tây”. Sáng sáng, người “ta” có thể mua ở đây đủ thứ hàng từ các phương trời xa xăm. Khách “du lịch ba lô” cũng là một nét lạ.

Các boys mắt xanh mũi lõ tóc sáng màu này thường không đủ tiền thuê xích lô, sẵn sàng ba lô trên lưng nhởn nhơ cả ngày, ở nhà trọ rẻ tiền, thuốc mua từng điếu, nhai bánh mỳ “không người lái” chiêu nước chanh ở hiệu “Bốn mùa” bên hồ Hoàn Kiếm.

“Thật thà lái buôn”, câu nói đó nhiều khi không còn hàm ý mỉa mai nữa. Những người trường vốn, những cựu công chức quen nền nếp không thích nói thách, mặc cả dài dòng. Có thể đắt, nhưng họ chỉ bán hàng thật, có bảo hành, rất chiều khách. Tất nhiên, bớt thuế với nhà nước và chiếm dụng vốn của bạn hàng thì ai cũng tranh thủ.

Nhưng nhiều khi họ thà chịu một mức thuế cao hơn “để góp phần xây dựng thủ đô” còn hơn được hưởng mức đóng thấp mà vẫn phải cống nạp, chịu ơn mưa móc của cán bộ thuế đủ các cấp.

Dầu còn nhiều cái dở nhưng nhìn chung mà nói, “đội ngũ thương nghiệp tư nhân” ngày nay hơn đứt chị em mậu dịch viên ngày trước về khoản “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.

Theo quy luật “đất trũng”, người Hà Nội được xài sản vật mọi miền rẻ hơn các nơi khác, dù giá vẫn còn là đắt so với đồng lương chính thức. Thật là lạ khi giá cua bể ở chợ Đồng Xuân còn rẻ hơn cả ở chợ biển Sầm Sơn, hay vải thiều về đây lại rẻ hơn ở chính vườn bên Thanh Hà, Hải Dương.

Trần Chiến / Nhà xuất bản Trẻ

SÁCH HAY