Cục diện của bảng A có lợi cho Philippines. Họ tự định đoạt số phận mà không phải trông chờ vào kết quả của trận Indonesia gặp Singapore. Philippines sẽ vào bán kết nếu hạ Thái Lan. Trong trường hợp Indonesia cầm chân Singapore, Philippines vẫn giành vé nếu hòa Thái Lan.
Lúc 19h00 ngày 25/11, Philippines sẽ gặp Thái Lan, còn Singapore đụng độ Indonesia trong trận đấu cùng giờ.
Với Philippines, 90 phút trước Thái Lan trở thành trận đấu mang tính quyết định ảnh hưởng tới cơ hội tiến xa tại AFF Cup 2016. Trên New York Times, cây bút am tường bóng đá châu Á John Duerden phân tích người Philippines còn nhận được phần thưởng giá trị hơn cả tấm vé vào bán kết nếu thắng Thái Lan.
Philippines (áo xanh) đứng trước trận đấu khó khăn khi gặp Thái Lan. |
Theo đó, thành công của Philippines tại AFF Cup 2016 sẽ giúp môn bóng đá cạnh tranh với bóng rổ, môn thể thao vua trên quốc gia từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến 1946.
Người Philippines mê bóng rổ hơn bóng đá. Tính đến tháng 4 năm nay, đã có 3 văn phòng chính thức của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) xuất hiện trên quốc gia này.
Các đội bóng lớn biết người Philippines không mê bóng đá, vì vậy họ chọn Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Thượng Hải (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan) làm điểm dừng chân trong các tour du đấu hè. Thủ đô Manila của Philippines bị bỏ qua.
Ngay cả khu vực tiền sảnh của khách sạn Quezon City, nơi các cầu thủ Philippines đóng quân, người ta còn thấy một chiếc TV có dán thương hiệu Suzuki Cup nhưng lại phát sóng giải NBA dành cho nữ.
"Philippines không phải quốc gia bóng đá. Người dân thích bóng rổ hơn. Các khán giả không thích xem bóng đá. Môn này không được quảng bá rộng rãi", phóng viên Cedelf Tupas của The Philippine Daily Inquirer giải thích.
Philippines cần thắng Thái Lan để cứu cả nền bóng đá. |
Người dân lạnh nhạt, thành tích của đội tuyển Philippines tại các kỳ AFF Cup trong quá khứ cũng rất tệ. Từ năm 1996 tới 2008, họ thua tổng cộng 19 trong 21 trận. Mặc cho thành tích "Azkals" cải thiện trong ba kỳ AFF Cup gần đây khi vào đến bán kết, bóng đá tại Philippines vẫn như "con ghẻ".
Trái ngược với cảnh khán đài chật cứng ở Myanmar, khán đài các sân của Philippines luôn rơi vào cảnh “đìu hiu” ngay cả khi đội chủ nhà thi đấu.
Tình hình khán đài ở sân Philippine Sports trong trận đầu tiên giữa Philippines và Singapore rất ảm đạm. Con số thống kê cho thấy, chỉ có 4.339 khán giả đến cổ vũ trực tiếp trên sân cho thầy trò ông Thomas Dooley trong khi sức chứa của sân này lên đến 20.000 người.
Đó một phần do công tác truyền thông quảng bá cho giải đấu có vấn đề nên lượng khán giả đến sân rất ít. Lần chiến thắng vang dội 2-0 trước Việt Nam tại AFF Cup 2010, đội tuyển Philippines mới hiếm hoi được truyền thông chú ý đến.
"Lần đầu tiên bóng đá xuất hiện trên trang chủ của một tờ báo lớn tại Philippines", ông Tupas nói.
Bóng đá với người Philippines như "đứa con bị ghẻ lạnh". |
Trước thực tế đó, John Duerden tin 90 phút thư hùng với Thái Lan sẽ mang ý nghĩa và giá trị to lớn với Philippines. Thắng được Thái Lan, thứ văn hóa tồn tại suốt nhiều năm qua trên đất nước này sẽ thay đổi. Bóng đá có thể chen chân cạnh tranh với bóng rổ.
Nhưng vào bán kết thôi chưa đủ, người Philippines cần một danh hiệu để thấy được nền bóng đá đang chuyển mình.
"Bóng đá tại Philippines không phải trò chơi giúp hái ra tiền. Người dân ở đây cần một danh hiệu cao quý. Họ cần nhìn thấy thứ gì đó thực tiễn. Chỉ có như vậy mới thay đổi nền văn hóa Philippines", nhà báo Tupas kết luận.