10 năm trước, "Azkals" (biệt danh của Philippines) chìm trong sự thê thảm. Đội tuyển quốc gia xếp hạng tận 195 thế giới trên tổng số 207 quốc gia. Còn những ngày này, họ vươn lên hạng 124 thế giới, đứng trên cả Việt Nam (hạng 136 thế giới) và Thái Lan (146 thế giới).
Đó chưa phải thứ hạng cao nhất. Hồi tháng 5, Philippines giữ hạng 115 thế giới nhờ thu được những chiến thắng trước CHDCND Triều Tiên và Bahrain.
Có thể thứ hạng của FIFA chưa phải thước đo chuẩn xác nhất đánh giá sức mạnh các đội khi Thái Lan mới xứng danh anh cả của bóng đá Đông Nam Á. Song, việc Philippines tăng hạng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của họ. Tất cả không phải ngẫu nhiên.
Vị cứu tinh
Tỷ phú Dan Palami là cứu tinh cho bóng đá Philippines. |
Bóng đá Philippines trong những năm 1990 và 2000 có một điểm chung: Nhân sự rất kém. Không có tài năng nào được quốc gia này sản sinh. Hệ quả dẫn đến Philippines thường xuyên trở thành đội lót đường tại các kỳ AFF Cup.
Năm 2002, họ để Indonesia vùi dập với tỷ số 1-13. Ngoài ra, Philippines cũng không thể lọt vào vòng bảng của AFF Cup 2008 cũng như AFC Challenge Cup cùng năm. Trong tận cùng sự tụt dốc, một tia sáng cứu vớt ĐT Philippines. Tỷ phú Dan Palami quyết định đầu tư vào ĐTQG.
Nhờ sở hữu ngân sách dồi dào, tỷ phú Dan Palami phục hưng cho bóng đá Philippines từ công tác đào tạo trẻ. Ông tài trợ chi phí cho đội U-19 thi đấu tại Trung Quốc và sau đó trở thành giám đốc ĐTQG.
Tỷ phú Palami không phải người có truyền thống đến bóng đá. Ông là Giám đốc điều hành công ty xây dựng đường sắt Autre Porte Global. Ban đầu, nhiều ý kiến gọi vị tỷ phú này là quẫn trí.
"Không ai muốn công việc đó... Chẳng ai muốn tiếp quản một đội tuyển mất đi bản chất và trên đà đi xuống", ông Palami kể lại.
Philippines (áo trắng) đã chuyển mình rất mạnh mẽ. |
Nhưng cùng với khát khao hồi sinh nền bóng đá nước nhà, tỷ phú Palami vượt qua mọi thử thách. Ông toàn dùng toàn tiền túi để tài trợ cho ĐTQG. Năm 2014, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí bóng đá The Blizzard, doanh nhân này ước tính số tiền đổ vào đội tuyển khoảng 2 triệu USD.
Xây dựng lực lượng nòng cốt nhờ ngoại binh
Trên công cuộc phục hưng đội tuyển Philippines, tỷ phú Palami hình thành cốt lõi ĐTQG dựa trên ngoại binh. Bằng Nhiều cầu thủ nước ngoài như hậu vệ Rob Gier (Anh), Gino Pavone (Mỹ), tiền vệ Jason de Jong (Hà Lan) và Manuel Ott (Đức) lần lượt nhập tịch Philippines. Đáng kể nhất là anh em nhà Younghusband với Phil và James Younghusband.
Việc tạo ra một đội tuyển là sự kết hợp giữa nội và ngoại binh nhanh chóng "lột xác" đội tuyển này. Năm 2010, họ lần đầu tiên vào bán kết AFF Cup. Tại vòng bảng "Azkals" đánh bại cả Việt Nam. Chính phủ Philippines sau đó cũng tạo ra chính sách thoáng hơn với các cầu thủ nhập tịch.
Số cầu thủ nước ngoài trong đội tuyển Philippines lập tức tăng lên đáng kể. Nhưng, cơ hội cho nội binh không vì thế bị hạn chế. Theo quan điểm của báoDaily Inquirer, chính các nội binh mới giữ vai trò nòng cốt hình thành bản sắc Philippines.
Phil Younghusband, một trong những cầu thủ thủ ngoại tài năng của Philippines |
"Các cầu thủ nội là những người giúp đội tuyển gắn kết và trở thành người truyền đạt thông điệp cho ngoại binh hiểu họ chiến đấu vì điều gì", cây bút Cedelf Tupas nói.
Tại giải bán chuyên United Football League (UFL) của Philippines, điều lệ cho phép các cầu thủ gốc Philippines hồi hương và thi đấu cho những CLB. Điều này giúp họ dễ dàng có cơ hội tiếp cận ĐTQG.
Dựa trên nền tảng xây dựng suốt một thập niên qua, bóng đá Philippines bắt đầu mang tầm vóc khổng lồ. Họ có một tập thể đồng đều pha trộn giữa các ngoại binh và nội binh. Dẫn dắt đội tuyển này là Thomas Dooley, một chiến lược gia tài năng.
Đến với AFF Cup 2016, Philippines cùng với Myanmar sắm vai chủ nhà. Điều này tạo ra nhiều lợi thế cho họ trên chặng đường chinh phục chức vô địch. Dù đội tuyển vẫn còn nhiều khó khăn lúc này khi thiếu những cầu thủ đẳng cấp, họ vẫn mang dáng vóc gã khổng lồ và không dễ bị bắt nạt như trước.
Philippines, họ đã chuyển mình chỉ sau 10 năm. Tất cả nhờ vào chiến lược đầu tư rất đúng đắn.