Nói cho cùng, lợi thế lớn nhất khiến Hải Phòng “đi vào lòng người” trong khúc hạ màn V.League chỉ nằm ở chỗ: họ không thuộc danh sách “con nhà bầu Hiển”.
Hải Phòng không phải đội chơi bóng hấp dẫn nhất hay cống hiến nhất, dù họ đang sở hữu chuỗi trận thắng ấn tượng nhất (7 trận), chuỗi trận bất bại dài nhất (8 trận). Thậm chí, họ còn bị nhiều đối thủ phàn nàn vì đá quá rắn và thực dụng.
Đa phần người hâm mộ cả nước ủng hộ Hải Phòng vô địch V.League 2016. Ảnh: Quốc Bảo |
Khán giả Hải Phòng, nhiệt huyết thì không cần bàn cãi, nhưng họ đi đến đâu cũng để lại nhiều phiền toái vì món “đặc sản” pháo sáng. Sân Hàng Đẫy, Nha Trang đã từng nhận án phạt vì không kiểm soát nổi khói lửa từ khu vực CĐV Hải Phòng. Riêng sân Lạch Tray đã 2 lần nộp phạt mùa này với các mức 20 và 30 triệu.
Nhưng bây giờ, những điểm trừ ấy có vẻ đã được gạt sang một bên, để Hải Phòng có thể đóng vai kẻ “cứu rỗi” V.League 2016, giải đấu mà cứ nhắc đến là người ta buộc phải hồ nghi về sức mạnh của một ông chủ có nhiều đội bóng.
2010 - kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đúng thời điểm linh thiêng và hào hoa ấy, Hà Nội T&T có chức vô địch V.League đầu tiên.
2013, đội bóng của bầu Hiển lần thứ hai đăng quang ở giải đấu quốc nội.
2016, Hà Nội T&T kỷ niệm 10 năm thành lập CLB. Theo đúng chu kỳ 3 năm thì món quà ý nghĩa nhất, không gì khác, là thêm một lần nâng Cúp V.League nữa.
Lại cũng xét một cách công bằng, bản thân Hà Nội T&T không có gì đáng chê trách, từ chuyên môn đến cách hành xử với giải đấu. Bất lợi lớn nhất của họ chỉ là: “con đẻ nhà bầu Hiển”.
Vì là con bầu Hiển, nên những nỗ lực của họ bỗng nhiên bị gắn thêm nhiều dấu hỏi. Thông thường, một đội bóng từ xuất phát điểm đội sổ sau 4 vòng, buộc phải thay HLV và sau đó hồi sinh thần kỳ để nắm quyền tự quyết chức vô địch vào giờ chót, thì đáng được trân trọng hơn ngờ vực.
Nhưng bầu Hiển có “dây mơ rễ má” với quá nhiều đội bóng. Hình ảnh ông tặng tiền đội này, tài trợ đội kia nhan nhản trên báo đài, tự nó “quàng” cho Hà Nội T&T thêm nhiều tai tiếng.
Nhưng Hà Nội T&T dường như sẽ lại theo đúng chu kỳ 3 năm để lên ngôi, trong mùa bóng họ kỷ niệm tuổi thứ 10. Ảnh: Quốc Bảo |
Chỉ riêng chuyện thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm lấy 16/18 điểm tối đa từ các “đối tác” Sài Gòn, Quảng Nam, Đà Nẵng đã khiến dư luận không thể che giấu sự bất bình. Và ngay vòng đấu áp chót vừa diễn ra tuần trước, khi Văn Quyết sút tung lưới Quảng Ninh ở phút bù giờ, nhiều cầu thủ Hải Phòng đã khóc. Họ khóc vì cảm giác bị đánh cắp một thứ gì đó lẽ ra phải thuộc về mình…
Lúc này, Hải Phòng chỉ có nhiệm vụ “giải quyết” một SLNA chưa đánh đã tự hàng. Đội bóng của HLV Ngô Quang Trường thiếu 4 cầu thủ đá chính vì thẻ phạt và chấn thương, trong đó có ngoại binh lợi hại nhất là Odat. Mùa giải của SLNA thực ra đã chấm dứt, và họ chẳng còn động lực gì ở trận đấu cuối cùng.
Trong khi đó, Hà Nội T&T gặp đối thủ về lý thuyết là rất xương xẩu: Thanh Hoá. Nếu không thắng được Thanh Hoá trong bối cảnh thiếu vắng cả 2 cầu thủ nội tốt nhất (Văn Quyết, Thành Lương), họ nhiều khả năng sẽ bị Hải Phòng soán ngôi.
Dĩ nhiên, đó chỉ là những tính toán thuần chuyên môn. Ngày chia tay Thanh Hoá, khi giải còn đến 5 vòng nữa, cựu GĐKT Lê Thuỵ Hải từng nói toạc: “Hà Nội T&T sẽ vô địch mùa này, tin tôi đi”. Vào thời điểm đó, Hà Nội T&T vừa vấp ngã trước Cần Thơ, còn Quảng Ninh đang tăng tốc mạnh mẽ, trở thành ứng viên sáng giá.
Có vẻ như sự từng trải và con mắt tinh đời của nhà cầm quân lão làng này đang ứng nghiệm vào khúc hạ màn V.League. Ít nhất thì Hà Nội T&T đã loại bỏ Quảng Ninh để trở lại thế thượng phong.
Gần như phần còn lại của V.League đều mong dự đoán của ông Hải “lơ” sẽ… trật bánh vào giờ chót. Bởi nếu mọi thứ vẫn tuân theo đúng quy trình, cả V.League sẽ lại chứng kiến Cúp về nhà bầu Hiển, nơi niềm vui thực sự chỉ được lan toả trong một nhúm CĐV ít ỏi.
Lịch thi đấu vòng cuối cùng V.League 2016 |
Bảng xếp hạng trước vòng cuối V.League 2016. |