Khách hàng cá nhân có nhu cầu gửi tiền kỳ hạn dài 2-3 năm hiện chỉ được nhận mức lãi suất tối đa 8,6%/năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chỉ trong vòng một tuần gần đây, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, trong đó có cả mức lãi suất cho kỳ hạn dài 24, 36 hay thậm chí 60 tháng. Các đợt điều chỉnh này cũng đã đưa mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài từ mức hai con số hồi đầu năm xuống 9,5%/năm hồi tháng 3 và đến nay là xuống dưới 9%/năm.
Tại kỳ hạn gửi tiền lên tới 3-4 năm này, GPBank hiện là ngân hàng chịu chi trả mức lãi suất cao nhất ở 8,6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên trên kênh online. Nếu gửi tại quầy, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 8,1%/năm.
Với mức lãi suất này, nếu khách hàng gửi 1 tỷ đồng vào GPBank với kỳ hạn 3 năm, số tiền lãi nhận về sau khi tất toán hợp đồng tiền gửi sẽ là hơn 280 triệu đồng.
Sau GPBank, người gửi tiền có thể được hưởng mức lãi suất 8,5%/năm với các khoản tiền gửi dài hạn nếu gửi tại ngân hàng ABBank và BVBank (tên cũ là Vietcapital Bank). Cả hai nhà băng này hiện cùng chi trả mức lãi suất 8,5%/năm với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân kỳ hạn 18-60 tháng.
Tuy nhiên, BVBank chỉ áp dụng mức lãi suất tối đa 8,5%/năm cho các khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn 36-60 tháng. Ở kỳ hạn 15-24 tháng, mức lãi suất mà ngân hàng này đưa ra dao động trong khoảng 8-8,2%/năm. Đối với tiền gửi online, kỳ hạn gửi tối đa khách hàng có thể chọn là 24 tháng và có lãi suất 8,4%/năm.
Cũng tại kỳ hạn gửi nhiều năm này, Saigonbank hiện áp dụng mức lãi suất 8,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn dài hơn 13 tháng, mức lãi suất ngân hàng này áp dụng quay trở về mốc 7,4%/năm, đối với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Tương tự, Baoviet Bank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 8,3%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 13 tháng. Nếu khách hàng chọn gửi tại các mốc kỳ hạn dài hơn, lãi suất chỉ dao động trong khoảng 7,7-7,9%/năm.
OCB hiện cũng là ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13-15 tháng, cao hơn các kỳ hạn 24-36 tháng.
Cụ thể, nhà băng này hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất 8,1%/năm với tất cả khoản tiền gửi online của khách hàng cá nhân với kỳ hạn 9-15 tháng. Tuy nhiên, nếu chọn gửi dài hơn (18-36 tháng), mức lãi suất sẽ giảm về 7,9%/năm.
Trên kênh quầy, OCB chấp nhận chi trả mức lãi suất 7,9%/năm đồng bộ cho tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 12-36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Đáng chú ý, biểu lãi suất kỳ hạn dài kể trên của OCB đã giảm tới 1,4 điểm % so với đầu năm nay. Theo đó, hồi tháng 1, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài 18-36 tháng của ngân hàng này vẫn lên tới 9,3%/năm.
Ngoài OCB, hiện trên thị trường còn khoảng 4 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 8,1%/năm (chủ yếu áp dụng cho kênh online) là Oceanbank, VIB, HDBank, BacABank. Nếu gửi tại quầy, lãi suất huy động tại các ngân hàng này sẽ giảm khoảng 0,2-0,6 điểm %.
Ở dải lãi suất trên dưới 8%/năm, khách hàng cá nhân có thể lựa chọn các ngân hàng thương mại như NCB, SHB, NamABank, VietABank cùng trả 8%/năm; LPBank, VietBank trả 7,9%/năm; Sacombank, VPBank, PVcomBank trả 7,8%/năm...
Hiện MSB và Techcombank là 2 ngân hàng chi trả mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài dưới vùng 7,5%/năm. Trong đó, MSB chỉ đưa ra mức lãi suất 7,4%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13-36 tháng khi gửi online và 7%/năm nếu gửi tại quầy.
Tương tự các kỳ hạn gửi tiết kiệm khác, ở kỳ hạn gửi dài 3-4 năm, 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) tiếp tục là nhóm niêm yết biểu lãi suất thấp nhất, phổ biến dao động quanh mức 6,8%/năm với kênh quầy và 6,9%/năm với kênh online. Tuy vậy, đây cũng là số ít ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiền gửi cố định cho các kỳ hạn dài lên tới 5 năm (tương ứng 60 tháng).
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...