Đây là chia sẻ của Phó thống đốc Phạm Thanh Hà liên quan hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua.
Theo Phó thống đốc, trong những tháng đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn duy trì xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu đã đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.
Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng, các điều kiện kinh doanh bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại là nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn, nội tại còn nhiều khó khăn. Từ đó, đặt ra nhiều thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ với NHNN.
Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà. Ảnh: NHNN. |
Nhiều điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất
Trong bối cảnh trên, NHNN đã điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để ổn định thị trường tiền tệ. Trong đó, nhà điều hành đã duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Cùng với đó, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Trên cơ sở các mục tiêu kinh tế đã đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm vào khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo Phó thống đốc, ngay từ đầu năm, NHNN đã điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Nhà điều hành đã chỉ đạo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
Về lý do liên tiếp giảm lãi suất điều hành 3 lần từ đầu năm trong khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ lãi suất ở mức cao, Phó thống đốc Hà cho biết thị trường trong nước đang có nhiều điều kiện để NHNN giảm lãi suất.
Theo đó, lạm phát trong nước vẫn tăng nhưng đã chậm lại; thanh khoản hệ thống ngân hàng có dư thừa; tỷ giá diễn biến ổn định, NHNN đã mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối; đồng thời các ngân hàng cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo NHNN, việc liên tục giảm lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.
Các đợt điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm 2023 của NHNN | ||||
Lãi suất điều hành (%/năm) | Trước 15/3 | Từ 15/3 | Từ 3/4 | Từ 25/5 |
Lãi suất tái cấp vốn | 6 | 6 | 5,5 | 5 |
Lãi suất tái chiết khấu | 4,5 | 3,5 | 3,5 | 3,5 |
Lãi suất cho vay qua đêm và bù đắp thiếu hụt vốn | 7 | 6 | 6 | 5,5 |
Trần lãi suất huy động không kỳ hạn và dưới 1 tháng | 1 | 1 | 0,5 | 0,5 |
Trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng | 6 | 6 | 5,5 | 5 |
“NHNN cũng là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo Phó thống đốc, NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Các nhà băng sau đó cũng có các biện pháp giảm lãi suất phù hợp.
Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vào khoảng 6,1%/năm (-0,37%) so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới ở mức 9,07%/năm (-0,9%).
“Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng
Liên quan đề xuất nới điều kiện cấp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, theo Phó thống đốc Hà, khó khăn của nền kinh tế là khó khăn tổng thể, trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và ngân hàng.
“Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống”, ông nói.
Do đó, bài toán khó đặt ra là NHNN phải tìm được điểm hài hoà để vẫn hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống. “Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép thử sai”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
NHNN là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm
Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà
Trong các tháng còn lại của năm 2023, lãnh đạo NHNN cho biết nhà điều hành sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trong đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Đồng thời, tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc.
Về lãi suất, NHNN sẽ điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Phó thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết và tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, song song với kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.