Từ ngày 25/5, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tối đa các ngân hàng được phép niêm yết chỉ là 5%/năm. Ảnh: Chí Hùng. |
Sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng áp dụng với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng và tiền gửi không kỳ hạn, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh lại biểu lãi suất này.
Dù chỉ đạo kể trên sẽ bắt đầu áp dụng từ 25/5, nhưng ngay từ hôm nay (24/5) một số nhà băng rục rịch giảm lãi suất tại các kỳ hạn ngắn này.
Cụ thể, sau khi có thông báo của Ngân hàng Nhà nước, SHB đã đưa ra biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó ghi nhận mức giảm với các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang theo số tiền, nhà băng này đưa ra mức lãi suất lần lượt ở 0,5%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và 4,6%; 4,7%; 4,8%, 4,9%/năm với các khoản tiền gửi 1-4 tháng. Tại mốc gửi 5 tháng, SHB đưa ra mức lãi suất kịch trần theo quyết định mới của NHNN ở 5%/năm.
Với hình thức gửi online, nhà băng này áp dụng đồng bộ mức lãi suất 5%/năm với các khoản tiền gửi 1-5 tháng. Như vậy, so với biểu lãi suất trước đó, SHB đã giảm 0,3-0,5 điểm % với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn.
Tương tự, HDBank cũng vừa đưa ra biểu lãi suất tiền gửi áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó giảm 0,5 điểm % lãi suất với tất cả kỳ hạn gửi dưới 6 tháng trên cả kênh quầy và online.
Theo đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng của nhà băng này trước đây được áp dụng ở mức 5,4%/năm với hình thức trả lãi trước và 5,5%/năm với hình thức trả lãi cuối kỳ, đến nay đã giảm còn 4,9%/năm và 5%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng trở lên tại quầy vẫn được HDBank niêm yết như trước, lần lượt ở mức 0,5%/năm với tiền gửi không kỳ hạn; 6,6-6,8%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 7%/năm với kỳ hạn 12 tháng; và 6,8-7%/năm với các kỳ hạn dài hơn.
Trên kênh online, HDBank áp dụng đồng bộ mức lãi suất 5%/năm với các khoản tiền gửi 1-5 tháng; 6,9%/năm với kỳ hạn 7-11 tháng; và 6,9-7,1%/năm với kỳ hạn 18-36 tháng. Riêng các khoản tiền gửi online kỳ hạn 6, 12, 13 tháng, nhà băng này đưa ra mức lãi suất lên tới 8,1%/năm.
Tương tự, LPBank cũng đã công bố biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân với mức lãi tối đa áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 5%/năm theo quy định của NHNN, áp dụng với cả kênh quầy và online.
Trong đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng đã được điều chỉnh lãi suất từ 5,3%/năm về 4,8%/năm; tiền gửi 4-5 tháng giảm từ 5,5%/năm về 5%/năm. Trong khi các kỳ hạn 6 tháng trở lên không thay đổi so với trước đó.
Ngoài ra, một loạt ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới, dự kiến áp dụng từ 25/5 với điều chỉnh chính nằm ở các kỳ hạn ngắn như NCB, GPBank, BacABank, VPBank, NamABank...
Theo khảo sát, phần lớn ngân hàng trong hệ thống hiện đều đưa ra mức lãi suất kịch trần với các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng. Do đó, khi NHNN điều chỉnh mức trần này từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, các ngân hàng cũng phải điều chỉnh theo.
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng trước đó đã đưa ra mức lãi suất dưới mức trần này nên không phải điều chỉnh như trường hợp của Vietcapital Bank. Hiện các khoản tiền gửi dưới 6 tháng tại nhà băng này chỉ được chi trả mức lãi suất 4,5-5%/năm, áp dụng cho cả hai hình thức gửi tại quầy và gửi online.
Hay như 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn đang áp dụng mức lãi suất 4,6%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, cũng không thuộc diện phải điều chỉnh. Tuy nhiên, với các kỳ hạn 3-5 tháng, hiện nhóm ngân hàng này đưa ra mức lãi suất 5,1%/năm, cao hơn mức trần cho phép từ ngày 25/5, nên sẽ phải điều chỉnh lại.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.