Trước kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển năm 2023. Chính phủ đánh giá cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
“Hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, nhất là từ những tháng cuối năm 2022 khó khăn về dòng tiền lưu động cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra còn khó khăn về chi phí lãi vay tăng cao, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Doanh nghiệp thiếu vốn
Chính phủ đánh giá mặt bằng lãi suất cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn. Điều này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn.
Báo cáo của Chính phủ
Theo Chính phủ, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 4/5/2023 chỉ tăng 2,78% cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vẫn ở khoảng 9,3%/năm.
Ngoài ra, áp lực về vốn trong những tháng đầu năm, cả năm và năm 2024 rất lớn. Xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có khoản cấp bù lãi suất 2% cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình. Đến tháng 2/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình mới chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng số nguồn lực 40.000 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp. Ảnh: Hoàng Giám. |
Trong một báo cáo đầu năm 2023, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động, vốn đầu tư trung và dài hạn đang đặt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế rất cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.
Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm (khiến dòng tiền vào giảm mạnh) ở nhiều ngành, doanh nghiệp còn gặp thách thức đặc biệt lớn về tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như trong việc duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.
Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Thậm chí, một số doanh nghiệp có tiềm lực và dự án chất lượng cũng rơi vào hoàn cảnh khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp đối mặt với các điều kiện vay ngặt nghèo hơn, thời gian giải ngân lâu hơn. Thậm chí một số chi nhánh ngân hàng đã hết room tín dụng trong tháng 4, chỉ có thể cho vay mới khi đã tất toán với khách hàng cũ.
Khó khăn dây chuyền từ thị trường bất động sản
Theo Chính phủ, một trong những hạn chế của năm 2023 là chưa phát huy tối đa chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số CPI bình quân đã được Quốc hội quyết nghị để điều chỉnh một số dịch vụ công nhằm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế.
Bên cạnh các tác động chủ yếu từ bên ngoài như giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh; thiếu hụt nguồn cung đầu vào; thị trường xuất khẩu thu hẹp dần do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu… Xuất khẩu chững lại, tốc độ tăng chậm dần vào cuối năm; thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng.
Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong những tháng đầu năm 2024, Chính phủ đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI còn gặp khó khăn. Doanh nghiệp gặp tình trạng đơn hàng giảm, tồn kho có xu hướng tăng tại nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.
Chính phủ đánh giá tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý I/2023 dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Số người lao động rút bảo hiểm một lần tiếp tục tăng. Điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân và chính sách an sinh xã hội.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ đánh giá trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu… được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn. Đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực.
Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này giúp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; ổn định và phát triển các loại thị trường lành mạnh, hiệu quả, bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành phù hợp, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.