Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng giảm lãi suất cho vay

Theo NHNN, việc tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục định hướng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin liên quan tình hình lãi suất huy động - cho vay trên thị trường trong bối cảnh cơ quan này đã có lần thứ 3 liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ đầu năm.

Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết quyết định giảm lãi suất điều hành mới nhất được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn; lạm phát đã qua đỉnh nhưng giảm chậm; rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh tại một số quốc gia lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất. Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất sau lần điều chỉnh ngày 2/5 vừa qua.

Lý do giảm lãi suất điều hành lần thứ 3

Trong nước, NHNN cho biết trong 4 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu đại diện cho tăng trưởng kinh tế đã tăng thấp hơn cùng kỳ với lý do chính là tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đồng thời, lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh và giá xăng dầu, nguyên vật liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới.

Trong khi đó, thị trường tiền tệ đã ghi nhận dấu hiệu ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào và có dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

“Các giải pháp điều hành linh hoạt thanh khoản của NHNN đã góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế”, NHNN cho biết.

Trong bối cảnh trên, để giảm thêm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-1,5 điểm %. Trong tháng 5, các tổ chức tín dụng đã và đang đưa ra các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Lãi suất điều hành (%/năm) Trước 15/3 Từ 15/3 Từ 3/4 Từ 25/5
Lãi suất tái cấp vốn 6 6 5,5 5
Lãi suất tái chiết khấu 4,5 3,5 3,5 3,5
Lãi suất cho vay qua đêm và bù đắp thiếu hụt vốn 7 6 6 5,5
Trần lãi suất huy động không kỳ hạn và dưới 1 tháng 1 1 0,5 0,5
Trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 6 6 5,5 5

Theo cơ quan quản lý tiền tệ, việc giảm lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.

Đồng thời, việc giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trong nước và quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để có phương án điều hành phù hợp. Trong đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay sẽ giảm thời gian tới

Liên quan đợt giảm lãi suất điều hành mới nhất của NHNN, ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết đây là quyết định đúng đắn và Vietcombank sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN.

Theo ông Vinh, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã có 2 lần giảm lãi suất với mức giảm 0,5 điểm %, áp dụng với khoảng 240.000 khách hàng và quy mô dư nợ được hạ lãi suất khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

Về lãi suất cho vay trong thời gian tới, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều, đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Hiện nhà băng này đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai các đợt giảm lãi suất mới.

Tương tự, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh thị trường đang hấp thu vốn rất yếu, tăng trưởng kinh tế khó khăn, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hàng và cả các ngân hàng.

Chỉ khi các mức lãi suất trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn hạ thì các ngân hàng mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Theo ông Ánh, tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5% và ngân hàng kỳ vọng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn, MB sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong các tháng còn lại. Dự kiến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhà băng này sẽ đạt 9%.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cũng cho rằng động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN vừa qua đã gửi tín hiệu đến thị trường cho thấy nhà điều hành mong muốn lãi suất thị trường hạ xuống.

Theo ông Hưng, lãi suất huy động thời gian qua đã leo ở mức cao, với động thái mới nhất của NHNN, chắc chắn trong thời gian tới lãi suất sẽ hạ xuống và chi phí vốn của các ngân hàng cũng hạ theo.

“Trong quý IV/2022 và quý I năm nay có lúc lãi suất tăng lên, nhưng sau các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN thì lãi suất đã giảm. Và chỉ khi các mức lãi suất trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn hạ thì các ngân hàng mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay”, Tổng giám đốc TPBank nói.

Nhiều ngân hàng đã hạ lãi tiết kiệm kỳ hạn ngắn

Các ngân hàng thương mại đang rục rịch điều chỉnh mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn 1-5 tháng theo quy định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành từ 25/5

NHNN vừa có quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5 gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm