Những ngày qua, giáo sư Võ Tòng Xuân luôn quan tâm về tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn gay gắt ở miền Tây. Ông đưa ra quan điểm "mặn là bạn tốt" để giúp người dân chọn hướng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi bền vững tại vùng nhiễm mặn. Đó là hệ thống lúa - tôm, lúa - cá hay vườn cây ăn trái... để nhanh chóng tăng GDP bình quân đầu người.
Theo giáo sư, Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ cho phép tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, cho chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị cao hơn lúa. Quyết định này ban hành từ tháng 6/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến, nhất là tại các vùng đất ven biển không thích hợp trồng lúa trong mùa nắng.
Thiên nhiên "phạt" con người
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng các địa phương không có nước ngọt trong mùa nắng vẫn tiếp tục chỉ đạo cho dân tiếp tục trồng lúa, bất chấp những cảnh báo khoa học. Và khi hạn hán ngày càng gay gắt, nguồn nước ngọt không về đủ, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền đã giết hại lúa.
Nắng hạn khiến nhiều cánh đồng ở miền Tây đất nứt toác và lúa chết. Ảnh: Việt Tường. |
Nhiều ngày qua, nước biển tiến sâu vào đất liền gây ảnh hưởng hàng trăm nghìn ha lúa vùng ven biển của Tây Nam Bộ. "Họ coi thường quyết định 899. Phần lớn tin tức xâm nhập mặn chỉ nói đến khía cạnh cây lúa, cho nên đã gây nên dư luận xem nước mặn quả là kẻ thù mọi người phải chống, bằng mọi cách", ông Xuân nói thẳng.
Theo giáo sư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp cuối tháng 2/2016 đã đánh giá tình trạng hạn hán năm nay tương đối toàn diện, ưu tiên cứu con người thiếu nước ngọt sinh hoạt trước khi cứu lúa. Thủ tướng cũng gợi ý chuyển đổi sang cây trồng nào ít tốn nước hơn cho dân sản xuất.
"Mưa bão, ngập lụt, hạn hán là thiên tai không ai muốn. Có rất nhiều lý do mà các cấp thẩm quyền đã nêu, nhưng thực tế nhất là thiên nhiên đã và đang phạt những ai cố trồng lúa trong điều kiện không thích hợp - tức là trong mùa không nước ngọt tại vùng mặn".
Một điều đáng chú ý, trong tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn nhưng tiếng nói của nhiều nông dân lại ít được phổ biến. Đó là những người nuôi tôm sau khi thu hoạch lúa của tỉnh Bạc Liêu. Hàng năm, những nông dân thực hiện hệ thống canh tác lúa - tôm muốn có nước mặn để nuôi tôm nhưng phải đấu tranh với nông dân trồng lúa không cho nước mặn vào vùng này.
Rốt cuộc, cả lúa và tôm đều bị thiệt hại. Tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ ngày càng đi sâu hơn vào đất liền là một thực tế không chống lại thiên nhiên được.
Nông dân Sóc Trăng gánh nước sạch bán một đôi (2 thùng 40 lít) giá 4.000 đồng. Ảnh: Việt Tường. |
Hướng chuyển dịch kinh tế bền vững
Từ phân tích trên của các chuyên gia đầu ngành cho thấy, khối lượng dòng chảy sông Cửu Long về đến miền Tây sẽ tiếp tục giảm, rõ nét nhất là trong mùa khô (đông - xuân). Theo các chuyên gia thủy văn, sự cung cấp nước ngọt và sự ngập lũ của đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng đáng kể do lượng mưa trong mùa gió mùa Tây Nam mà hai hồ chứa lớn nhất là Tonle Sap (Biển Hồ) và Đồng Tháp Mười xưa kia đã chứa nước cho cả vùng.
Ngày nay, rừng đầu nguồn quanh Biển Hồ đã bị khai thác gần hết, đất bị xói mòn lắp cao đáy hồ nên lượng nước chứa lại không được bao nhiêu. Đồng Tháp Mười cũng không còn là vùng trũng như trước nữa, thay thế bởi 700.000 ha ruộng lúa 2-3 vụ/năm. Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu nước tưới lúa bây giờ phải bơm từ sông Cửu Long chứ không thể từ hồ chứa của Đồng Tháp Mười được.
Người dân sống trong vùng xâm nhập mặn ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vui mừng khi được ngành nông nghiệp cấp nước sạch dùng miễn phí. Ảnh: Việt Tường. |
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, hướng phát triển bền vững cho vùng mặn là trong quy hoạch cho cây lúa cao sản của đồng bằng sông Cửu Long. Ông đề xuất trồng hai vụ đông - xuân và hè - thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên.
"Tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng tôi cũng đề xuất một vụ lúa trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn. Như thế chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa", giáo sư nêu quan điểm.
Cũng theo giáo sư, vì với hướng "an ninh lương thực" mà người ta đã xem nước mặn là kẻ thù phải chống triệt để. Có chống mặn họ sẽ có dịp thực hiện nhiều dự án ngăn mặn hàng ngàn tỷ đồng, ngăn mặn trồng lúa để địa phương có thêm lúa cần thiết. "Chỉ tội nghiệp cho hàng trăm ngàn nông dân mất cơ hội làm bạn với nước mặn để nuôi tôm để tăng gia lợi tức thay vì chịu số phận nghèo mãi vì trồng lúa”, giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, chúng ta chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm, và tránh các vùng ven biển nước ngọt rất bấp bênh. Tại các vùng nhiễm mặn nếu nuôi tôm bền vững thì nhà nước nên xây dựng hệ thống vuông tôm có kênh thủy lợi kèm theo mới tránh được bệnh tôm như hiện nay.
Vùng đất giồng cát ven biển thì nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) liên kết với các doanh nghiệp chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.
Việt Nam không phải quốc gia thiệt hại duy nhất
Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng khí hậu biến đổi không lường trong thập kỷ vừa qua. Đặc biệt trong năm 2015, nông nghiệp thế giới bị ảnh hưởng lớn bởi hiện tượng El Nino xuất phát từ vùng xích đạo đông Thái Bình Dương khi nhiệt độ mặt biển tăng cao hơn bình thường.
Theo các chuyên gia khí tượng, nhiệt độ nước biển tăng cao tạo ra hệ thống áp thấp nhiệt đới lan ra cả vùng rộng lớn. Hệ thống áp thấp kéo theo hệ lụy dây chuyền cho các hệ áp cao và áp thấp trên khắp địa cầu. Vì thế, thời tiết thay đổi khó lường, cùng một thời điểm mà nơi thì mưa bão, nơi khô hạn.
Nhìn chung trái đất trong năm qua lượng mưa ít hơn. Nhiệt độ nước biển tăng cao do hoạt động của con người thải ra ngày càng nhiều khí nhà kính vào khí quyển.
Những tác động khác của con người làm cho đất đai bị hạn hán bao gồm đắp đập thủy điện hoặc đập chứa nước ở thượng nguồn con sông, khai thác rừng đầu nguồn quá giới hạn, mở rộng vùng trồng trọt, nhất là trồng lúa, tiêu tốn quá nhiều nước ngọt trong mùa nắng ráo. Các chuyên gia khí tượng tiên đoán là đến tháng 8/2017 thì chu kỳ ngược của El Nino là La Nina sẽ xuất hiện mang đến ngập lụt cho các vùng hạn hán hiện nay.