Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'3-4% lượng nước xả từ Trung Quốc đến Việt Nam'

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia biến đổi khí hậu tại miền Tây nhận định việc Trung Quốc xả lũ để cứu hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không có hiệu quả quá lớn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này bắt đầu xả lũ từ đập ở tỉnh Vân Nam từ ngày 15/3 để giúp các nước ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm Việt Nam, khắc phục tình trạng hạn hán. Thông tin trên mang đến kỳ vọng cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả từ xả lũ đến Việt Nam sẽ hạn chế. 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng Trung Quốc không thể xả lũ quá nhiều, vì quốc gia này cũng cần nước để phát điện cho các tháng mùa khô kế tiếp.

“Hồ chứa thuỷ điện Cảnh Hồng có dung tích hoạt động tối đa 249 triệu m3 nước, nếu xả 2.300 m3/s thì sau 30 giờ là cạn hồ”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, với chiều dài 4.000 km từ thượng nguồn xuống đồng bằng sông Cửu Long, khi dòng chảy đến đồng bằng sông Cửu Long có thể không còn nhiều nước.

Trung Quoc hua xa lu cuu han dong bang song Cuu Long anh 1

Lúa đã chết nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: V.T.

Vị chuyên gia đầu ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long cho rằng hầu hết vùng canh tác lúa và màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại nặng, nếu đưa nước vào cũng không cứu được nhiều lúa.

Trong khi đó, tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cũng khẳng định ngay cả trong trường hợp Trung Quốc cho xả khoảng 400 triệu m3 nước thì do dọc đường đi của sông Mekong hàng nghìn km nên hiệu quả cũng hạn chế. 

"Các nước Thái Lan, Lào và Campuchia được hưởng nhiều hơn, đến Biển Hồ lại “nuốt tiếp” theo quy luật điều hòa tự nhiên. Như vậy, lượng nước thực tế về đến ĐBSCL chỉ còn khoảng 3-4% lượng nước xả từ hồ thủy điện", tiến sĩ Trường nhận định.

Ông Trường cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc cần chia sẻ, cung cấp trước các thông tin về kế hoạch vận hành hàng năm tại thủy điện Cảnh Hồng.   

“Trung Quốc nên chia sẻ thông tin cập nhật hàng ngày tại thủy điện cuối bậc thang, Cảnh Hồng (gồm mực nước hạ lưu đập, lưu lượng xả, số tổ máy vận hành) cho cả năm. Mặc dù Trung Quốc không tham gia Ủy ban sông Mekong (MRC) nhưng Hiệp định Mekong 1995 có thể giúp đưa ra qui định và đó là những gì MRC và Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang thực hiện, nhưng chưa hoàn tất”, ông Trường giải thích.

Theo ông Trường, khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mekong một cách vững bền là thách thức về tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở đồng bằng trong bài toán tổng thể quản lý lưu vực sông quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua ở miền Tây.

Hàng trăm nghìn ha lúa đã và đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu thời tiết tiếp tục không thuận lợi và không có các giải pháp tích cực, diện tích bị ảnh hưởng có thể lên tới 340.000 ha, chiếm gần 30% vụ đông xuân 2015-2016 toàn vùng.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm