Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Trần Quốc Vượng viết về sông Tô Lịch ngày xưa

Trong cuốn "Thăng Long Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa", GS Trần Quốc Vượng cho rằng thế kỷ 19, sông Tô Lịch vẫn là một con sông lớn, thuận tiện giao thông và thủy lợi.

Trong cuốn Thăng Long Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa (NXB Văn hóa – Thông tin 2010), tập hợp các bài viết về đề tài Hà Nội trong suốt hàng chục năm, GS Trần Quốc Vượng (1934-2005) đã đưa ra nhiều kiến giải lý thú về lịch sử, địa lý và văn hóa của vùng đất Long Đỗ, Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay.

Trong cuốn sách này, vị giáo sư được xếp vào một trong “tứ trụ sử học” (Lâm, Lê, Tấn, Vượng) thường xuyên trích dẫn câu ca dao:

Nhị Hà quanh bắc sang đông Kim Ngưu,
Tô Lịch là sông bên này
Khen ai khéo họa dư đồ
Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm

Để nói về tầm quan trọng của sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đối với kinh thành Thăng Long xưa.

Tran Quoc Vuong,  song To Lich,  thanh Thang Long,  van hoa Ha Noi anh 1
GS Trần Quốc Vượng cho rằng sông Tô Lịch có vai trò quan trọng đối với văn hóa vùng đất Thăng Long.

GS Trần Quốc Vượng cũng là người đưa ra khái niệm "tứ giác nước" của kinh thành Thăng Long, trong đó, cạnh phải của tứ giác là sông Hồng, cạnh đáy dưới là sông Kim Ngưu, còn trái cùng cạnh trên đều là sông Tô Lịch. Tuy nhiên, hiện phần sông Tô Lịch ở cạnh trên, từ Bưởi, dọc đường Hoàng Hoa Thám – Phan Đình Phùng ra đến sông Hồng ở Giang Khẩu, đã bị lấp mất.

Trong bài viết “Lại bàn về vị thế hoàng thành Thăng Long”, GS cho rằng Long Đỗ (Rốn Rồng) là nơi tụ khí thiêng của đất nước. Từ thời Bắc thuộc, Tô Lịch giang thần đã trở thành Thành hoàng của vùng Long Đỗ. Đền thờ Tô Lịch giang thần là ở trên một quả gò bên sông. Đó là núi Nùng.

"Làng cổ nhất Hà Nội là làng ven sông Tô – vùng núi Nùng, vùng Quần Ngựa – và làng ven sông Nhuệ", ông viết.

Trong bài viết “Quy hoạch Thăng Long”, GS Vượng viết rằng, Hà Nội có đặc trưng của thành phố sông (ville – fleuve), nó là thành phố ngã ba sông, nếu lấy cả hai dòng Nhị Hà - Tô Lịch làm hệ quy chiếu, làm trục chủ đạo, hoặc là thành phố một bờ sông (bờ phải) nếu chỉ lấy một sông Nhị làm hệ quy chiếu, làm trục chủ đạo chính yếu.

Do đó, ông cho rằng, phải xem xét về Nhị Hà – Tô Lịch, yếu tố trước tiên để tạo nên cá tính của Hà Nội.

Nghiên cứu từ bản đồ vẽ năm 1490 đời Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông), giáo sư nhận xét rằng dòng chính sông Hồng ngày xửa ngày xưa là dòng sông Tô, và có thể, sau một trận lũ đặt biệt lớn, sông Hồng đã đổi dòng sang phía đông. Do đó, dòng chính cũ trở thành một dòng phụ bên cạnh hàng loạt hồ lớn nhỏ.

Lần giở các sách sử xưa, GS. nhận thấy, vào thời kỳ đầu của việc đổi dòng, dòng phụ - Tô Lịch có thể ăn thông với sông Hồng bằng một số cửa. Rồi cửa cũng bị phù sa lấp dần. Còn từ thời Lý đến thời Lê, cửa chính sông Tô là ở Giang Khẩu (vị trí Phố Chợ Gạo ngày nay). Sau khi chảy từ đông sang tây, qua Hồ Khẩu (thông với Hồ Tây) thì có thêm nhánh sông Thiên Phù nhập vào nữa.

Ông giải thích, mạng lưới giao thông thủy thời đó rất thuận lợi, thuyền bè có thể từ sông Đáy vào sông Nhuệ rồi “lên Kinh” bằng sông Tô, hoặc ngược lại, từ “quân cảng” (Đông Bộ Đầu) và "thương cảng” (cửa sông Tô), trên sông Hồng, qua sông Tô, sang sông Nhuệ rồi sông Đáy mà ra biển.

Theo ông, nhờ được nuôi dưỡng bởi nước sông Hồng nên dòng sông Tô thời đó rất sống động, thuận tiện. Cửa sông là thương cảng, trên bến dưới thuyền, mà từ đó thành lập phường Giang Khẩu với chợ Đông Bạch Mã và các vạn làng lần lượt mọc dựng. Cuối thế kỷ XIV, quân Chiêm Thành xâm lược Thăng Long đã đưa thuyền chiến vào bến Thái Tổ trên sông Tô Lịch. Dĩ nhiên thời đó sông Tô phải khá sâu và rộng.

Nghiên cứu bản đồ Hồng Đức, ông nhận thấy sông Tô chảy ôm vòng Trung Đô rồi trở lại sông Hồng mà không thể hiện sông Nhuệ và phần sông Tô tiếp tục chảy vể hướng nam rồi nhập vào sông Nhuệ. Từ đó, ông đưa ra hai giả thuyết, hoặc là do cách vẽ bản đồ sơ lược thời xưa, hoặc do thời bấy giờ, sông Kim Ngưu còn rất lớn và có vị trí quan trọng.

Tuy nhiên, với lượng phù sa khá lớn, việc bồi lắng ở các cửa phân lưu ngày càng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống các phân lưu. GS Trần Quốc Vượng nhận thấy sử các đời Lý – Trần – Lê chép một số lần dân kinh thành phải khơi vét lòng sông.

Đến một lúc nào đó, sự bồi lấp quá mạnh, công việc nạo vét quá tốn kém cũng dễ bị buông trôi làm cửa sông bị tắc. Cộng với tác động của con người, thực dân Pháp đắp sông Tô từ Thụy Khuê qua các đường phố Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược, Ngõ Gạch… và từ năm 1889, sông Tô Lịch chỉ còn là một sông của Hà Nội. Dòng sông sống động ngày xưa trở thành một con sông chết.

Trong cuốn sách, GS Vượng cũng bày tỏ niềm mong muốn được nhìn thấy dòng sông Tô Lịch hồi sinh, trong trẻo.   


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm