Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Nguyễn Anh Trí: Bệnh viện công sẽ tư nhân hóa nếu tự chủ toàn diện

"Tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn nhưng tự chủ quá mức sẽ gây tư nhân hóa bệnh viện công. Điều này đi sai định hướng", GS Nguyễn Anh Trí nói.

Nội dung trên được GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, trao đổi tại tọa đàm Tự chủ bệnh viện để phục vụ người dân tốt hơn, chiều 14/11.

Tại đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng cơ chế tự chủ toàn diện trong 2 năm qua.

Máy móc còn hợp đồng, nhưng vướng sai phạm

Theo PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị gặp phải vấn đề lớn về đầu tư hạ tầng, máy móc và thiết bị y tế khi bắt tay vào tự chủ toàn diện. Theo đó, một số đề án liên doanh liên kết máy móc phải dừng lại vì hết hạn hợp đồng, trong khi số khác còn hợp đồng thì vướng sai phạm.

"11/27 đề án có sai phạm khi được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đều liên quan đến cơ chế chính sách, liên doanh liên kết chưa chuẩn. Việc này dẫn đến các thiết bị y tế trong Bệnh viện Bạch Mai thiếu trầm trọng", ông Cơ nói.

Theo ông, 2 năm bệnh viện thực hiện tự chủ (2020-2021) không bộc lộ điểm yếu này do dịch bệnh xảy ra, số bệnh nhân giảm. Đến năm 2022, khi dịch bệnh kiểm soát, số lượng bệnh nhân tăng đột biến làm bộc lộ những thiếu hụt về thiết bị như hệ thống nội soi, máy phục vụ cho chẩn đoán và điều trị ung thư…

benh vien tu chu anh 1

Bệnh viện Bạch Mai xin chuyển cơ chế tự chủ từ toàn diện sang chi thường xuyên. Ảnh: Việt Linh.

Ông Cơ cho biết có những hệ thống máy phục vụ cho phẫu thuật như robot, kính hiển vi phẫu thuật, máy phẫu thuật nội soi... hiện không thể hoạt động do cơ chế ký kết hợp đồng, liên doanh liên kết lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng.

"Khi được kiểm tra, các hợp đồng trên có những sai phạm nên sau đó không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng nữa", ông Cơ chia sẻ.

Trước khó khăn về máy móc, bệnh viện phải bố trí lại ca kíp làm việc khi sau dịch bệnh, số lượng bệnh viện ngoại trú tăng lên đột biến 6.000-8.000 người đến khám/ngày.

Theo đó, nhân viên y tế phải làm ca từ 5h sáng, cán bộ y tế ở những nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3h-4h để đến kịp phòng khám phục vụ người bệnh. Bệnh viện chia máy móc tập trung cho bệnh nhân ngoại trú vào ca sáng và cho nội trú vào ca chiều để đảm bảo không từ chối một bệnh nhân nào.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết việc áp dụng cơ chế tự chủ toàn diện khiến toàn bộ nguồn chi của đơn vị phụ thuộc vào nguồn thu. Trong khi giá dịch vụ y tế lại được thu theo định mức bảo hiểm y tế nên chênh lệch giữa thu và chi không lớn.

Trước khó khăn này, một lượng lớn cán bộ viên chức đã rời khỏi bệnh viện vì không được đảm bảo thu nhập. Trong năm 2020-2021, hơn 200 cán bộ của bệnh viện xin nghỉ việc, trong khi con số này từ đầu năm 2022 đến nay là 110 cán bộ.

"Mỗi khi có cán bộ ra đi, chúng tôi đều động viên để giữ lại nhưng chỉ giữ được 1-2 tháng. Đến tháng thứ 3, cán bộ nói rằng đời sống chưa được đảm bảo thì rất khó để họ ở lại", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai kể lại.

Ông cho biết có những cán bộ đi vì thu nhập nhưng có cán bộ nói rằng sẽ sang bệnh viện tư nhân vì ở đó muốn có máy móc, thiết bị là sẽ được đầu tư ngay lập tức.

Trước những khó khăn trên, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất được chuyển cơ chế tự chủ từ toàn diện sang tự chủ nhóm hai là tự chủ chi thường xuyên.

Tư nhân hóa bệnh viện công

Cùng quan điểm trên, GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho rằng đơn vị gặp phải nhiều thách thức trong suốt 2 năm tự chủ toàn diện. Nguồn thu khó đảm bảo để bệnh viện đầu tư máy móc, trong khi đối tượng bệnh nhân có nhiều người nghèo, phải điều trị trong thời gian dài.

"Để đáp ứng nguồn bệnh nhân xạ trị ở hiện tại, bệnh viện cần thêm 10 cái máy xạ trị nữa và mỗi máy có giá 130 tỷ đồng. Nếu theo cơ chế tự chủ toàn diện, chúng tôi cần 1.300 tỷ đồng chỉ để đầu tư máy móc. Điều này là rất khó", ông Quảng chia sẻ.

Vì vậy, ông có cùng đề xuất với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai về việc xin chuyển sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên để được Nhà nước đầu tư, đảm bảo hệ thống máy móc và hạ tầng của bệnh viện.

benh vien tu chu anh 2

Các chuyên gia trao đổi về vấn đề tự chủ bệnh viện tại tọa đàm chiều 14/11 do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức. Ảnh: VGP.

Chia sẻ quan điểm, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng tất cả bệnh viện công hiện nay chỉ phù hợp với cơ chế tự chủ ở mức chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên. Còn với tự chủ toàn diện, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện để các bệnh viện có thể thực hiện cơ chế này.

Theo ông Trí, tự chủ là chủ trương đúng, cơ chế hay nếu tự chủ quá mức sẽ dẫn đến hiện tượng tư nhân hóa các bệnh viện công.

"Điều này đi sai định hướng xã hội chủ nghĩa, khi chúng ta luôn coi bảo vệ sức khỏe người dân là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước", ông Trí nói.

Tiếp nối góc nhìn trên, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cơ chế tự chủ toàn diện với các bệnh viện công đang gặp phải 3 vấn đề: thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, tổ chức thực hiện có vấn đề, cơ chế giá chưa đảm bảo.

Theo ông Lợi, trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, việc tự chủ theo cách toàn diện với ngành y là đồng thời đem lại khó khăn cho người dân vì người dân phải trả nhiều tiền hơn để khám chữa bệnh ở các bệnh viện công ở tuyến cuối.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, ông Lợi cho rằng cần cơ chế đầu tư cho các bệnh viện tuyến đầu, tuyến cơ sở cấp huyện xã về cả nhân lực lẫn kỹ thuật. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K cần được đầu tư công nghệ hiện đại.

"Tôi nhìn nhận việc công bằng trong chăm sóc cho người dân là rất quan trọng ở bệnh viện công lập. Vì vậy nếu cho bệnh viện tự chủ về giá thì cần cân nhắc vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Các bệnh viện cần tự chủ chứ không tự chịu", TS Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội đau đáu việc bác sĩ xin nghỉ, bệnh viện dừng tự chủ

Hàng loạt cán bộ y tế xin nghỉ việc tại bệnh viện công, các bệnh viện danh tiếng xin thôi tự chủ, theo đại biểu Quốc hội, là một sự thất bại của chính sách quản lý.

Quyền Bộ trưởng Y tế lý giải việc các bệnh viện xin dừng tự chủ

Theo bà Đào Hồng Lan, Nghị quyết 33 chỉ cho thí điểm tự chủ trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi có quy định mới. Đến nay, các bệnh viện xin dừng thực hiện Nghị quyết 33 là phù hợp.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm