Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Ngô Bảo Châu: Dịch thuật không hề dễ dàng

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ về vấn đề dịch thuật và cuốn "Oscar và bà áo hồng" mà ông là đồng dịch giả vừa ra mắt tại Việt Nam.

GS Ngô Bảo Châu đã có buổi giao lưu với người yêu sách ở Hà Nội hôm 19/12 vừa qua nhân dịp ông là đồng dịch giả cuốn Oscar và bà áo hồng của nhà văn nổi tiếng Eric-Emmanuel Schmitt. Ông đã dành khoảng thời gian quý giá chia sẻ với Zing.vn về cuốn sách và vấn đề dịch thuật.

- Thưa giáo sư, dịch thuật tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây vướng vào khá nhiều vấn đề. Trong quá trình dịch cuốn "Oscar và bà áo hồng", giáo sư có gặp nhiều khó khăn? 

- Trong quá trình chuyển ngữ cuốn sách này, dịch giả Khiếu Anh đã làm tốt công việc của mình và đơn vị phát hành cũng rất cẩn trọng trong khâu biên tập. Thực ra, đây không phải tác phẩm quá khó dịch nên cũng không có vấn đề gì. 

Nhiều cuốn sách khác khó dịch hơn nhiều và việc có những sai sót hay tranh cãi là khó tránh khỏi với những dự án dịch thuật như thế.

Xin đơn cử là khi tôi biên tập cuốn Alain nói về hạnh phúc (tác giả Emile Chartier), bản dịch cũng có nhiều bất cập. Có nhiều chỗ tôi đọc không hiểu nên phải đối chiếu bản dịch ngôn ngữ khác. Nhưng khi tiếp cận với bản tiếng Anh được dịch ra từ nguyên gốc tiếng Pháp thì thực tế là cũng có chỗ sai dù đó là bản dịch do những người rất có uy tín chuyển ngữ.

Báo chí có lên tiếng thì những sự việc đó mới thành ầm ĩ. Tuy nhiên, cần xác định rõ cách đưa thông tin. Bạn đưa ra vấn đề để hướng tới sự hoàn thiện hay là mượn nó để gây chú ý.

GS Ngô Bảo Châu tự nhận mình đang ôm đồm quá nhiều công việc.

- Từ vai trò một nhà toán học, ông đã trở thành người cố vấn của tủ sách Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ rồi đồng tác giả  cuốn Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình năm 2012. Và giờ là dịch giả một tác phẩm văn học. Giáo sư có thể chia sẻ cách ông phân bổ thời gian công việc như thế nào để cân bằng giữa hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan là toán học và văn chương? Có khi nào giáo sư nghĩ mình đang ôm đồm quá nhiều việc?

- Có đấy. Tôi thường xuyên nghĩ mình đang ôm đồm quá nhiều việc và cũng nên cắt bớt việc đi. Nhưng tôi vẫn cố gắng vì nguyên tắc của tôi là đã theo đuổi là theo đuổi đến cùng. 

Thực ra việc dịch quyển này tôi cũng không làm được đến nơi đến chốn vì khi bắt đầu dịch cách đây 2-3 năm nhưng chỉ được một phần nhỏ , khoảng 15-20 trang thôi. Nhưng rất may là tôi đã gặp được bạn Khiếu Anh là du học sinh Pháp và khả năng về cả tiếng Pháp cũng như tiếng Việt đều rất tốt. Nhờ Khiếu Anh mà tôi đã hoàn thành được cuốn sách này.

Cuốn Oscar và bà Áo hồng.
Cuốn Oscar và bà áo hồng của tác giả Eric-Emmanuel Schmitt bản dịch tiếng Việt do GS Ngô Bảo Châu và dịch giả Khiếu Anh thực hiện.

- Về cuốn sách "Oscar và bà áo hồng" không thể phủ nhận ý nghĩa nhân văn cao cả của của nó. Nhưng ngoài ra, có lý do nào khác khiến giáo sư muốn dịch cuốn sách này?

- Vì mang nhiều ý nghĩa nhân văn nhưng đây lại là cuốn sách khá dễ đọc, không kén độc giả. Bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được thông điệp mà cuốn sách này mang lại.

- Khi đọc và rồi dịch cuốn sách, có bao giờ ông đặt mình vào nhân vật Oscar và nghĩ rằng nếu qua đời ở tuổi lên 10 mình sẽ tiếc nuối điều gì đó?

-Nếu tôi phải sống như Oscar, chắc chắn tôi sẽ tiếc nuối nhiều lắm vì còn biết bao điều trong cuộc đời mà ta chưa được trải nghiệm khi phải chết ở tuổi lên 10. Nhưng đó cũng chính là lý do bà Hoa hồng nỗ lực để cậu bé trong vòng 12 ngày còn lại, có thể sống được một cách đích thực cuộc đời của mình.

- Ông đánh giá thế nào về nhân vật bà Hoa hồng?  

- Bà Hoa hồng đối với tôi thật sự là một nhà hiền triết lớn. Bà có vai trò của một người đạo diễn trong câu chuyện. Bà là người phụ nữ thiện nguyện đến với những đứa trẻ ở bệnh viện hàng tháng trời khi bố mẹ ở xa không thể có thời gian chăm sóc chúng thường xuyên.

Trong buổi họp báo ra mắt cuốn sách GS Ngô Bảo Châu nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến tác phẩm lần đầu tiên ông góp mặt với vai trò dịch giả.

- Có một quan điểm như thế này trong văn chương hiện nay, đó là nội dung cuốn sách không quan trọng bằng cách viết. Giáo sư - dịch giả Ngô Bảo Châu nghĩ sao về quan điểm này?

- Tôi nghĩ rằng một quyển sách hay tức là nội dung phải hay. Quan điểm mà bạn đưa ra có lẽ có thể lý giải rằng những trào lưu mới của văn học chú trọng vào hình thức quyển sách có những phá cách, bỏ đi cót truyện và thậm chí bỏ đi cả nhân vật. 

Có nhiều cách khác nhau để xây dựng một cuốn sách nhưng dù sao một cuốn sách vẫn quan trọng ở phần nội dung. Nội dung đó có thể "cổ điển" cũng có thể cách tân, đương đại. Nhưng sách không có nội dung thì không gọi là sách. 

Còn về quyển sách này có lẽ là sách thể loại sách qua thư – một thể loại văn học cổ điển từ thế kỷ 17 sau này cũng ít được sử dụng vì giờ đây người ta không viết thư nữa. Trong cuốn sách này tác giả chọn hình thức cổ điển có phần "cổ lỗ xĩ" nhưng là sử dụng một cách rất thành công mà có lẽ là cần thiết nữa. Vì để kể lại cuộc sống 12 ngày cuối cùng của Oscar dưới lời kể của cậu bé đó thì đây là cách kể lý tưởng nhất.


Hoa Khang

Bạn có thể quan tâm