Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GrabConnect giúp tiêu thụ nông sản, đưa đặc sản từ vườn đến người dùng

GrabConnect là dự án mới của Grab vừa ra mắt ngày 7/6. Đây là dự án nhằm kết nối nông sản và đặc sản địa phương an toàn, chất lượng từ vườn đến người tiêu dùng cả nước.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nông sản Việt gặp thêm khó khăn trong việc tiêu thụ. Để tìm đầu ra cho nông sản Việt, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng nỗ lực, cho ra đời những sáng kiến để “khơi thông” dòng chảy, đưa đặc sản đến tay người tiêu dùng.

Siêu ứng dụng nhảy vào cuộc chơi kết nối nông sản

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ. Người nông dân tuy làm một công việc khổ cực, “dãi nắng dầm mưa” nhưng đáng buồn là đa phần họ chỉ biết tới khâu thu hoạch, còn bán cho ai, bán đi đâu, bán như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Không chủ động được đầu ra là điểm then chốt khiến nông dân gặp khó mỗi khi thị trường diễn biến bất lợi. Khi đó, họ chỉ biết trông cậy vào những đợt giải cứu để vớt vát lại chi phí đầu tư, “được đồng nào hay đồng ấy”. Đời sống của họ còn khó được đảm bảo, đừng nói tới việc kiếm lãi, làm giàu từ nông nghiệp.

tieu thu nong san anh 1

Cơ quan, doanh nghiệp cùng đưa ra sáng kiến, giải pháp tạo kênh phân phối cho nông sản Việt. Ảnh chụp trước giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra. Ảnh: Việt Linh.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều biện pháp vừa tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân trước mắt, vừa khuyến khích liên kết nông nghiệp theo dạng hợp tác xã, đồng thời kêu gọi đầu tư vào khâu logistics để đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản, giảm thiểu những tác động khách quan.

Grab là cái tên của công ty công nghệ tiếp theo cam kết hỗ trợ vải thiều Bắc Giang. Đây là hoạt động đầu tiên của GrabConnect - dự án ra đời nhằm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt. Grab cho biết tầm nhìn trong tương lai là giúp tiêu thụ nông sản của nông dân khắp cả nước, từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Đây cũng là một phần trong sứ mệnh Grab vì cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ủng hộ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết: “GrabConnect sẽ tận dụng năng lực công nghệ, mạng lưới rộng khắp và sức mạnh của hệ sinh thái Grab để kết nối nông sản từ người nông dân đến người dùng cuối thông qua ứng dụng công nghệ, với quy trình giao nhận nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Chúng tôi tin rằng GrabConnect sẽ đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các địa phương, giúp bà con nông dân yên tâm canh tác và vượt qua những khó khăn trong đại dịch”.

Với GrabConnect, nông sản không chỉ được đưa đến tay người dùng cuối một cách nhanh chóng, tiện lợi mà còn có cơ hội tiếp cận với nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, chủ shop online, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống… và các doanh nghiệp thuộc mạng lưới đối tác rộng khắp cả nước của ứng dụng này.

GrabConnect công bố mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ lên đến 300 tấn vải thiều Lục Ngạn. Tiếp theo đó, GrabConnect có kế hoạch làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số ban, ngành và địa phương để hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là khi nông dân các vùng ở miền Bắc và Nam Trung Bộ chuẩn bị bước vào mùa vụ nông sản chính.

GrabConnect - dự án thể hiện sứ mệnh vì cộng đồng của siêu kỳ lân Grab

Sự ra đời của GrabConnect trong thời điểm này được thị trường đánh giá cao khi giải quyết đồng thời nhiều vấn đề bức thiết hiện nay.

Thứ nhất, với người nông dân - một trong những đối tượng yếu thế khi đại dịch Covid-19 xảy ra, GrabConnect cung cấp thêm đầu ra cho nông sản. Xa hơn, việc được tiếp cận với nền tảng người dùng và mạng lưới đối tác cùng hệ thống logistics rộng lớn của Grab, là lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ hai, tận dụng nền tảng công nghệ và dữ liệu có sẵn, GrabConnect có thể tạo ra được những liên kết chính xác, giúp đem đúng sản phẩm tới đúng đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu trong thời gian rút ngắn, đảm bảo chất lượng và độ an toàn của nông sản.

Cụ thể, người tiêu dùng đơn lẻ cũng như đối tác GrabFood, GrabMart, GrabKitchen hay GrabExpress đều sẽ có nguồn cung trái cây, rau củ tươi ngon, dồi dào, nhanh chóng với mức giá tốt. Việc đặt hàng, mua bán diễn ra thông suốt và tối ưu, góp phần tạo thêm cơ hội thu nhập từ những cuốc xe cho đối tác tài xế.

Cuối cùng, sự ra đời của GrabConnect đúng vào thời điểm xã hội đang rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo vệ nguồn thu nhập cho người nông dân và giúp sức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện cam kết vì cộng đồng mà Grab theo đuổi với sứ mệnh tạo ra tác động lâu dài đến chất lượng sống cho các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, đối tác bán hàng, thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam.

Hà Phan - Giang Phan Ninh

Bạn có thể quan tâm