Chiều 7/4, Bộ Công Thương phát đi thông cáo tiếp theo về việc giám sát Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, sau khi trễ hẹn vào ngày 3/4 thì đến ngày 5/4, Grab đã gửi báo cáo việc mua lại mảng chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á của Uber tới Bộ Công Thương.
Theo Grab, việc kết hợp thị phần với Uber trên thị trường Việt Nam khiến tổng thị phần vẫn thấp hơn 30%. Do đó, Grab cho rằng mình không cần phải báo cáo với cơ quan chức năng về giao dịch.
Grab nói việc kết hợp với Uber ở Việt Nam khiến tổng thị phần vẫn thấp hơn 30%. Ảnh: Financial Tribune. |
Tuy nhiên, ngày 6/4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã làm việc với Grab Việt Nam để yêu cầu giải thích. Khi đó, Grab chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về việc thị phần thấp hơn 30%.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu Grab cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường và đảm bảo tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế theo pháp luật. Do đó, cơ quan chức năng vẫn cần chờ đợi thêm để Grab giải thích và cung cấp các căn cứ.
Trước đó, ngày 26/3, Grab đã công bố thông tin về việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi công văn hỏa tốc để đề nghị Grab Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên. Cùng với Việt Nam, việc Grab mua lại Uber cũng bị điều tra tại Singapore và Philippines.
Ngoài việc gây tranh cãi về thị phần tại Việt Nam, Grab còn vướng vào ồn ào với cơ quan thuế với khoản nợ mà Uber đang nợ tại Cục Thuế TP.HCM. Grab từ chối trả khoản nợ đó thay Uber vì cho rằng mình chỉ mua lại mảng kinh doanh, không mua lại pháp nhân của Uber.