Ngay sau khi Grab tuyên bố mua lại toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, Phương Trang đã quyết định rót 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) để đầu tư vào lĩnh vực gọi xe công nghệ qua phần mềm. Quyết định của doanh nghiệp này đã gây nhiều bất ngờ và hoài nghi khi đấu lại với “gã khổng lồ” Grab.
Sáng 6/4, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Nguyễn Trí Dũng đã có chia sẻ với Zing.vn xung quanh câu chuyện này.
Không thể cấm mọi người hoài nghi
- Tại sao đến bây giờ, thị phần thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam cơ bản vào tay của Grab, Phương Trang mới bắt đầu tuyên bố tham gia vào thị trường này?
- Chúng tôi đã để ý thị trường này 3 năm nay rồi. Trước đây, chúng tôi đi những bước chuẩn bị như xây dựng nền tảng dữ liệu khách hàng, xây dựng chiến lược rồi mới triển khai.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang. Ảnh: Hiếu Công. |
Lẽ ra tháng 5 tới chúng tôi mới công bố ra mắt ứng dụng, nhưng rất bất ngờ Uber bán mình cho Grab, do đó, chúng tôi quyết định nhanh chóng xây dựng và triển khai ứng dụng.
- Tại sao doanh nghiệp của ông không xây dựng app cho riêng mình mà lại chọn đầu tư vào VATO, ứng dụng trước đó đã có 2 lần thất bại?
- VATO có những nền tảng về cơ sở công nghệ thông tin tương đồng với Phương Trang. Ứng dụng đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp chúng tôi nên chúng tôi quyết định đầu tư.
- Nhiều người còn hoài nghi về số tiền 100 triệu USD cũng như năng lực của Phương Trang, khả năng của hãng để cạnh tranh với Grab khi có nhiều thông tin doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khoản nợ lớn...?
- Hiện tại chúng tôi chưa công bố là cạnh tranh với Uber, Grab. Chúng tôi cũng không mong muốn việc đó, chỉ mong muốn phục vụ tốt nhất lợi ích cho khách hàng.
Phương Trang nói rằng không mong muốn cạnh tranh trực tiếp với Grab. |
Việc hoài nghi của mọi người thì chúng ta không thể cấm được. Người ta có quyền hoài nghi, chúng tôi có thế mạnh riêng của mình. Có một số ý kiến hỏi chúng tôi lấy đâu ra tiền, cái này chúng tôi không có trách nhiệm để giải trình.
Chúng tôi có nhiều mảng hoạt động khác để bổ trợ cho mảng kinh doanh mới, cũng có một hệ sinh thái rất vững chắc, rất tốt cho VATO.
'Không bỏ một lúc 2.200 tỷ đồng'
- Tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ được nhiều người nói như cuộc đua “đốt tiền” trong thời gian dài do đó tài chính vững chắc là một điều rất quan trọng. Sự hoài nghi về tài chính của Phương Trang không phải không có cơ sở?
- Đúng, tài chính là quan trọng nhất, có thực mới vực được đạo, không có tài chính làm sao mà làm được. Chúng tôi khẳng định không chỉ nói. Ví dụ, chúng tôi chỉ dành riêng doanh thu của mảng xe bus là đã có thể phục vụ cho việc phát triển ứng dụng VATO.
Tôi cũng nhấn mạnh đây là chương trình đầu tư, không phải là bỏ liền một lúc ra 2.200 tỷ đồng. Chúng tôi đang đầu tư theo giai đoạn, theo đó phân bổ tài chính.
- Vậy trong chiến lược của mình, ông xác định khi nào có lãi?
- Bây giờ chúng tôi chưa tính được vấn đề lãi hay lỗ. Ban đầu chúng tôi phục vụ một cộng đồng nói chung và làm sao để hạn chế lỗ thôi. Có lãi hay không, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể rồi sẽ xem xét thêm.
Xe khách Phương Trang tuyên bố rót 100 triệu USD cho ứng dụng gọi xe VATO theo nhiều giai đoạn. |
- Mô hình của Phương Trang có cả vận tải taxi, gọi xe giống Uber, Grab, liệu có vướng các quy định hiện nay hay không? Ông có kỳ vọng gì về Nghị định mới thay thế Nghị định 86 sắp được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ thông qua?
- Nghị định 86 là cái cơ bản, là hành lang pháp lý của quản lý Nhà nước. Hiện tại Nghị định 86 cũ, chúng tôi vẫn có cơ sở áp dụng nên không sao cả.
Tuy nhiên, với góc độ là một doanh nghiệp Việt, chúng tôi mong muốn có nền tảng pháp lý bình đẳng, vững chắc để hoạt động, thậm chí là bình đẳng cả với Grab.
VATO (tên gọi cũ là Facecar và VIVU) được giới thiệu là ứng dụng gọi xe trên nền tảng điện thoại di động nhằm kết nối giữa khách hàng có nhu cầu di chuyển đến các tài xế có xe từ đó giúp giải quyết vấn đề đi lại và kiếm tiền của khách hàng và tài xế.
VATO được Phương Trang tuyên bố mua lại và đầu tư hơn 100 triệu USD.