Cung cấp thông tin về sản phẩm mới vào sáng nay (10/7), Grab cho biết sắp ra mắt ứng dụng vận chuyển hàng tạp hòa tại một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Ứng dụng có tên là GrabFresh và sẽ lần đầu có mặt tại Indonesia vào tháng 7 này. Sau đó trước cuối năm 2018, Grab sẽ ra mắt tại các nước Đông Nam Á khác.
Ứng dụng cho phép khách hàng được mua hàng tạp hóa trên ứng dụng và giao nhận trên nền tảng của Grab. Hãng sẽ bắt tay với một đối tác thứ 3 để cung cấp hàng tạp hóa khi khách hàng có yêu cầu.
Tại Indonesia, Grab cho biết đã bắt tay với hãng bán hàng tạp hóa hàng đầu Đông Nam Á là HappyFresh. Tuy nhiên tại Việt Nam, Grab chưa tiết lộ việc sẽ bắt tay với đối tác nào, cách thức hoạt động cụ thể ra sao.
Ứng dụng giao nhận hàng hóa sẽ có mặt tại Việt Nam năm nay. Ảnh: HC. |
CEO và là đồng sáng lập của Grab, ông Anthony Tan cho biết hãng này sẽ bổ sung thêm nhiều dịch vụ thường được sử dụng nhất trong cuộc sống vào ứng dụng Grab thông qua sự kết hợp cùng các đối tác cao cấp nhất trong từng ngành ở GrabPlatform.
Hiện tại ở Việt Nam, Grab đã cung cấp các dịch vụ như GrabCar, GrabTaxi, GrabShare, GrabBike, GrabExpress. Việc ra mắt GrabFresh là bước đi mới của hãng này với thị trường trên 90 triệu dân của Việt Nam.
Grab cho biết đã đạt được doanh thu 1 tỷ USD chỉ từ đầu năm đến nay. Hãng này cũng đạt cột mốc 2 tỷ chuyến xe vào ngày 7/7 vừa qua.
Tại Việt Nam, Grab vẫn đang hoạt động theo đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử từ đầu năm 2016 đến nay. Một trong các ứng dụng của hãng này là GrabShare vẫn đang bị cho là trái phép tại Việt Nam. Hiện chưa rõ các ứng dụng khác có được cho phép hoạt động theo đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử hay không.
Tháng 3 vừa rồi, Grab vừa thâu tóm hoạt động của Uber tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, thương vụ đang bị nhà chức trách các nước đặt câu hỏi và có nguy cơ bị hủy bỏ.
Tại Singapore, Cục Cạnh tranh và Tiêu dùng nước này cho rằng thương vụ trên đã xóa bỏ sự cạnh tranh giữa Uber và Grab, hai đơn vị bám đuổi sát nhau nhất trên thị trường.
Việt Nam cũng đang điều tra việc vi phạm quy định về độc quyền của Grab khi mua lại Uber Việt Nam.