Dịch vụ đi xe chung GrabShare, kết hợp nhiều khách đi cùng một chuyến xe trên một tuyến đường của Công ty TNHH Grab Taxi vừa ra mắt đã bị Bộ Giao thông Vận tải có công văn yêu cầu không được thực hiện, do vi phạm quy định trong Thông tư 63.
Thông tư 63 nêu rõ: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng. Lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”.
Văn bản hỏa tốc của Bộ GTVT yêu cầu GrabTaxi không thực hiện dịch vụ GrabShare . |
Thông tư 63 cũng quy định đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách, trong đó phải có thời gian thực hiện, nơi đi, nơi đến, hành trình, số lượng hành khách, giá trị hợp đồng…
Tuy nhiên, với dịch vụ GrabShare, Grab đang cùng lúc ký 2 hợp đồng vận chuyển khách với 2 khách hàng trên cùng một chuyến xe.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi không được thực hiện dịch vụ GrabShare đối với xe hợp đồng. Bộ cũng yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Mức phạt cho lỗi vi phạm khi cố tình cung cấp dịch vụ đi chung là 4-6 triệu đồng.
Bị cấm hoạt động nhưng thực tế dịch vụ đi xe chung này vẫn diễn ra bình thường và đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng.
Theo mức giá niêm yết trên ứng dụng Grab, trên cùng một quãng đường di chuyển, giá cước dịch vụ GrabShare rẻ hơn so với GrabCar và GrabTaxi khoảng 30-40%, đắt hơn GrabBike khoảng 50%.
Ứng dụng GrabShare vẫn được áp dụng mặc cho lệnh cấm mà mức phạt nếu phát hiện đơn vị này cố tình cung cấp dịch vụ. |
Khảo sát thực tế, trên cùng một quãng đường có chiều dài gần 9 km, nếu di chuyển bằng GrabCar khách hàng phải trả 100.000 đồng, trong khi sử dụng dịch vụ GrabShare chi phí này chỉ là 70.000 đồng.
Chị Thu Hoài (28 tuổi, Hà Nội) cho biết từ khi Grab ra mắt dịch vụ GrabShare chị thường xuyên sử dụng loại hình vận tải này.
“Trước đây mình thường di chuyển bằng GrabBike, nhưng từ khi có dịch vụ đi chung xe với giá rẻ hơn rất nhiều mình đã chuyển sang đi ôtô, tính ra chỉ đắt hơn GrabBike khoảng 30%”, chị Hoài cho biết.
Anh Văn Tuấn (35 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết đã biết thông tin về việc ứng dụng GrabShare bị cấm, nhưng nhiều ngày nay anh vẫn sử dụng dịch vụ này để di chuyển.
“Mình gọi xe họ vẫn phục vụ nhiệt tình, thậm chí gọi GrabShare còn nhanh hơn so với gọi xe thông thường, giá lại rẻ hơn khá nhiều”, anh Tuấn chia sẻ.
Trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Thị Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết GrabShare là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar.
Bà An cho biết công ty đang làm việc tích cực với Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Đại diện này cũng cho biết sự việc nêu diễn ra tương tự trước đây, khi doanh nghiệp làm việc với các cơ quan chức năng để xây dựng Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Khi đó, Grab là đơn vị tiên phong chủ động đề xuất khung pháp lý cho mô hình GrabCar. Grab cũng đã giải thích và tham vấn với rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan để thống nhất về phương thức giao kết hợp đồng vận tải điện tử cho phù hợp với các quy định.
Theo bà Thu An, sự có mặt của Grab và phát triển của công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong ngành vận tải, và đôi khi gây ra sự bối rối trong việc áp dụng pháp luật.
"Không phải vì vậy mà hoàn toàn loại bỏ hay kết luận điều đó là trái pháp luật. Chúng tôi tin rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp và cho xã hội thì sẽ hoàn toàn được ủng hộ và tạo điều kiện phát triển”, bà An cho biết thêm.