Ngày càng nhiều ứng dụng gọi xe trên di động xuất hiện khiến thị phần vận tải 2 bánh bị chia nhỏ, giá cước bị phân hóa cùng với sự bùng nổ về số lượng tài xế chạy xe ôm công nghệ.
Mới đây, một vụ xô xát giữa nhóm xe ôm truyền thống với nhóm tài xế GrabBike tại bến xe Miền Tây, quận Bình Tân, TP.HCM diễn ra khiến lực lượng chức năng phải nổ 2 phát súng chỉ thiên để giải tán đám đông.
Đây chỉ là một trong số những vụ xô xát giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ xảy ra liên tiếp gần đây. Theo chia sẻ của những người trong cuộc, lý do chủ yếu của những vụ xô xát này do tranh giành khách hàng của nhau.
Vài năm gần đây, thị trường vận tải 2 bánh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM bắt đầu bùng nổ mạnh. Thị trường này đã không còn là của riêng xe ôm truyền thống mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của các ứng dụng đặt xe qua di động bao gồm UberMoto và GrabBike.
Theo tiết lộ của ông Lim Yen Hock - đại diện ủy quyền tại Việt Nam của Grab thì hãng hiện có hơn 630.000 tài xế tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, vị này cũng tự tin khẳng định Grab đang đứng số một về ứng dụng đặt xe trên di động.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết hệ thống GrabBike của hãng hiện có 50.000 lái xe. Trong khi đó, con số được vị này đưa ra cách đây 5 tháng là 20.000 tài xế Grab.
Gặp gỡ báo chí đầu năm 2017, vị CEO của Grab Việt Nam cũng không giấu giếm tham vọng "màu đồng phục GrabBike sẽ phủ xanh khắp thành phố".
Trong khi đó, đại diện của Uber cùng từng chia sẻ hiện ứng dụng đặt xe này đang cung cấp việc làm cho hơn 20.000 đối tác UberMoto trên cả nước.
Chỉ vài năm sau khi xuất hiện, các ứng dụng đặt xe di động đã có sự tăng trưởng mạnh về số lượng tài xế.
“Khởi nguồn đối tác GrabBike là tài xế xe ôm truyền thống. Họ hoạt động chuyên nghiệp, rành đường xá đi lại, chúng tôi chỉ hướng dẫn họ sử dụng ứng dụng trên smartphone. Có những người gắn bó, làm việc đến hiện tại và cũng có trường hợp tự nghỉ”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết.
Không chỉ có UberMoto và GrabBike, hiện nay, hàng loạt ứng dụng đặt xe trên di động khác cũng được ra đời để cạnh tranh miếng bánh thị phần này như ứng dụng gọi xe APPP, Vivu, AGZ Bike, Timxes.com, Go-Bike…
Ngoài ra, thị trường vận tải còn có sự tham gia có nhóm xe ôm truyền thống nhưng có bảng điện tử tính giá cước theo quãng đường di chuyển như xe ôm Thân Thiện, xe ôm Hoàng Sa...
Thị trường vận tải xe 2 bánh tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển khi mà hạ tầng đường xá và thói quen đi lại của người dân vẫn chủ yếu phù hợp với xe máy hơn là ôtô.
Cùng kinh doanh tại thị trường vận tải 2 bánh nhưng mỗi hãng, mỗi hình thức xe ông lại có mức tính giá cước khác nhau.
Theo khảo sát thực tế của Zing.vn, trong các hình thức xe ôm đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam hiện nay, xe ôm truyền thống là hình thức không có giá cước quy định cụ thể theo quãng đường.
Với dịch vụ xe ôm truyền thống, giá cước được tài xế và khách hàng tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, tính trung bình những quãng di chuyển ngắn giá cước sẽ dao động trong khoảng 12.000-15.000 đồng/km, những chuyến dài giá cước sẽ cao hơn.
Trong khi đó, nhóm xe ôm có đồng hồ tính cước, giá được niêm yết theo quãng đường tùy từng hãng nhưng dao động trong khoảng 10.000 đồng trên km đầu tiên, từ những km sau giá cước vào khoảng 5.000-6.000 đồng. Với những cuốc xe dài 10km, 20km, 30km... giá cước sẽ được tính giảm, chỉ khoảng 3.000 đồng/km.
Ngoài ra, trên xe cũng được gắn định vị GPS để hãng có thể kiểm soát hoạt động của lái xe, tránh tình trạng chạy lòng vòng tính thêm tiền của khách hàng.
Theo tiết lộ của một đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này, để mỗi xe chạy trên đường hãng phải đầu tư 4-5 triệu đồng riêng tiền cho thiết bị tính cước và GPS. Do chi phí đầu tư cao nên số lượng lái xe của hãng không nhiều chỉ khoảng 30 xe, hoạt động chủ yếu tại các bến xe và cổng bệnh viện.
Với nhóm xe ôm công nghệ bao gồm UberMoto và GrabBike, giá cước của nhóm này chỉ dao động trong khoảng 3.000-4.000 đồng/km. Cụ thể, ứng dụng Go-Bike giá cước di chuyển áp dụng theo quãng đường đi là 3.600 đồng/km, Vivu Moto cũng trong khoảng giá dưới 4.000 đồng/km...
Giá cước vận tải mà UberMoto niêm yết với tài xế và khách hàng tính theo quãng đường là 3.700 đồng/km, cước phí tối thiểu 10.000 đồng mỗi chuyến, và nếu khách hàng huỷ chuyến sẽ phải chịu phí phạt 5.000 đồng.
Trên cùng một quãng đường di chuyển, giá cước GrabBike hiện áp dụng là 3.800 đồng/km, GrabBike Premium là 7.000 đồng/km. Tuy nhiên, 2 ứng dụng đặt xe di động này là thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng như giảm giá trực tiếp vào cước phí, hoặc giảm 50% với những chuyến đi trong ngày…
Chị Thu Huyên (26 tuổi) nhân viên công sở cho biết công việc của chị thường xuyên phải yêu cầu di chuyển, bằng việc di chuyển bằng Uber và Grab chi phí đi lại của chị đã giảm rất nhiều so với trước đây.
“Mình đi Uber và Grab nhiều đến nỗi trở thành khách hàng thân thiết của họ, hầu như tuần nào họ cũng gửi mã khuyến mại khi thì trừ thẳng vào giá, khi thì giảm 50%. Nếu tính cả khuyến mại, chi phí di chuyển của mình chỉ tốn vài nghìn đồng cho một chuyến đi", chị Huyên cho biết.
Việc ngày càng nhiều ứng dụng gọi xe trên di động xuất hiện khiến thị phần vận tải 2 bánh ngày càng bị chia nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của các tài xế.
Trong khi các hãng vẫn đưa ra lời rao hấp dẫn về thu nhập như 8-10 triệu/tháng cho người chạy toàn thời gian (8 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần) hoặc 4 triệu/tháng cho người chạy bán thời gian, tương đương mức 24.000 đồng/h thì thực tế lại không như vậy.
Hiện tại, do sự bùng nổ về số lượng tài xế xe ôm công nghệ, không chỉ tài xế xe ôm truyền thống bị giảm thu nhập mà chính các tài xế của UberMoto hay GrabBike cũng chịu giảm thu nhập giảm mạnh.
Theo chia sẻ của nhiều tài xế UberMoto và GrabBike, nếu như trước đây họ có thể kiếm được 8-9 triệu đồng/tháng thu nhập nếu làm việc khoảng 10 tiếng mỗi ngày, thì hiện nay, cùng thời gian làm việc nhưng số tiền họ thu về chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng.
Đối tượng bị ảnh hưởng thu nhập nhiều nhất do sự bùng nổ về số lượng tài xế tăng mạnh chính là các đối tác của GrabBike.
"Hiện nay số lượng tài xế GrabBike đang chiếm đa số trên thị trường, trung bình tại Hà Nội cứ 3 tài xế GrabBike mới có một tài xế UberMoto", một tài xế Uber cho biết.
Anh Văn Tín (22 tuổi, quê Nam Định) cho biết do số cuốc xe GrabBike giảm mạnh nên anh đang phải chạy song song cả 2 ứng dụng gọi xe là Uber và Grab để kiếm thêm.
Nếu chỉ chạy ứng dụng Grab có ngày anh chỉ chạy được 3-4 cuốc xe, không thể đủ định mức để nhận tiền thưởng theo quy chế của công ty, anh phàn nàn. Anh cho biết làm việc ngoài đường cả ngày nhưng thu nhập mỗi tháng của anh chỉ vào khoảng 5-6 triệu đồng, chưa kể chi phí hao mòn xe và ăn uống hàng ngày.
“Trước đây chỉ chạy Grab thôi đã không hết việc, nhưng ngày càng nhiều người chạy Grab trong khi thị trường chỉ có hạn nên số lượng khách bị chia nhỏ. Có ngày mình chỉ bắt được 3 cuốc Grab. Giờ phải cài thêm cả Uber vào để kiếm thêm. Tuy nhiên, với Uber, mình phải đón khách trong khoảng cách xa hơn, tầm bán kính 2km (Grab chỉ trong bán kính 500m)”, anh Tín cho biết.
Trong khi đó, ông Văn Huy (56 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội), một tài xế UberMoto cho biết hiện nay rất nhiều tài xế Grab phải lén cài cả Uber để kiếm thêm khách. Ít người di chuyển xe 2 bánh bằng Uber hơn so với Grab nhưng vì số lượng tài xế Grab quá đông nên tính ra số cuốc xe mà tài xế Uber chạy được trong ngày còn cao hơn Grab.
“Nếu như cùng làm việc 10 tiếng/ ngày, chạy Uber có thể kiếm được 20-25 cuốc xe là bình thường, còn Grab thì chỉ được khoảng 10-15 cuốc xe là cùng vì quá đông tài xế, ứng dụng thì bắt khách ngẫu nhiên”, ông Huy nói.
Ngoài ra, các tài xế của 2 ứng dụng gọi xe này cũng cho biết công ty đã và đang áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ tài xế như hỗ trợ cước phí tối thiểu với những cuốc xe ngắn, thưởng doanh số nếu đạt định mức chuyến trong ngày, trong tuần, nhưng việc "ăn" thưởng của công ty không hề dễ.
“Nói là hỗ trợ cước phí tối thiểu 30.000 đồng cho những cuốc ngắn nhưng không phải cuốc xe nào cũng được, mà chỉ hỗ trợ những cuốc xe trong phạm vi phường, quận nào đó.
Nếu đang là đối tác của Uber mà chuyển sang làm đối tác của Grab mà chạy đủ số chuyến định mức sẽ được thưởng tiền khoảng 1,3-1,5 triệu đồng tiền mặt nhưng khi hoàn thành thì lại bị nợ thưởng, mỗi lần gọi điện lên đều hẹn sang tuần thanh toán mà 2 tuần nay chưa nhận được”, anh Văn Dinh một tài xế chạy song song 2 ứng dụng Uber và Grab cho biết.