Đơn được gửi vào ngày 11/1. Grab đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án hoặc nếu không đình chỉ thì cần sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bán án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM giải quyết lại.
Grab tuyên bố nộp đơn kháng cáo với nhiều lý do trong đó có việc TAND TP.HCM đã đưa ra bản án vượt quá phạm vi khởi kiện yêu cầu bồi thường; không triệu tập Cửu Long để giải thích và làm rõ những mâu thuẫn trong báo cáo đánh giá thiệt hại...
Tài xế Vinasun bên ngoài phiên tòa ngày 28/12 khi TAND TP.HCM ra phán quyết Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Thanh. |
Trước đó, ngày 28/12, HĐXX nhận định Grab vị phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại,... Bởi Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
HĐXX nhận thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab. Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác.
Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồng khác.