Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Google, Microsoft muốn loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ

Giây nhuận trên đồng hồ nguyên tử vốn được tạo để đồng bộ với chuyển động quay của Trái Đất, nhưng cũng có thể khiến hệ thống máy tính và phần mềm gặp lỗi.

Ngày 25/7, nhiều công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, Meta và Amazon cùng tuyên bố chiến dịch vận động loại bỏ giây nhuận (leap second). Đây là giây được chèn vào Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) để giữ thời gian nguyên tử đồng bộ với chuyển động quay thực tế của Trái Đất.

Từ năm 1972, giây nhuận được thêm tổng cộng 27 lần, gần nhất vào ngày 31/12/2016. Tại thời điểm 23 giờ 59 phút 59 giây ngày 30/6 hoặc 31/12, đồng hồ UTC sẽ thêm một giây thành 23 giờ 59 phút 60 giây, thay vì 0 giờ 0 phút 0 giây ngày tiếp theo. Việc này giúp giữ độ lệch của UTC so với Giờ Quốc tế (UT1), được đo dựa trên chuyển động quay của Trái Đất không quá 0,9 giây.

Loai bo giay nhuan vao gio UTC anh 1

Các hãng công nghệ muốn loại bỏ giây nhuận vì gây ra sự cố cho hệ thống máy tính. Ảnh: AP.

Theo CNET, một giây bổ sung gây khó khăn cho các hệ thống máy tính, vốn dựa trên mạng lưới quản lý thời gian không có giây nhuận để lên lịch cho các hoạt động được hẹn giờ trước, chẳng hạn như cập nhật phần mềm hay bổ sung dữ liệu.

Các hãng công nghệ lập luận chèn giây nhuận gây ra nhiều vấn đề như mất kết nối Internet, các sự cố nghiêm trọng hơn so với lợi ích mà nó mang lại. Các công ty cũng cho rằng chèn giây nhuận là vô ích, bởi tốc độ quay thực tế của Trái Đất không thay đổi nhiều trong lịch sử.

"Chúng tôi dự đoán nếu chỉ dựa vào Thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI, tiêu chuẩn đo thời gian không sử dụng giây nhuận) mà không cần tính toán giây nhuận, mọi thứ vẫn hoạt động tốt trong ít nhất 2.000 năm nữa. Đến lúc đó, chúng ta mới cân nhắc điều chỉnh", nhà khoa học Ahmad Byagowi thuộc Meta, công ty mẹ của Facebook cho biết.

Không chỉ các hãng công nghệ, chiến dịch vận động bỏ giây nhuận cũng được 2 cơ quan đo đếm thời gian đồng ý, bao gồm Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) và Văn phòng Cân đo Quốc tế Pháp (BIPM). Sự ủng hộ của các chính phủ đóng vai trò quan trọng, bởi họ và những nhà khoa học mới là những người chịu trách nhiệm về hệ thống đồng hồ toàn cầu.

Năm 2021, NIST từng nhận định giây nhuận có ưu lẫn khuyết điểm. Chúng giúp đảm bảo các quan sát thiên văn được đồng bộ hóa với thời gian trên đồng hồ. Tuy nhiên, giây nhuận cũng có thể gây rắc rối cho một số ứng dụng định vị và cơ sở hạ tầng viễn thông.

Với việc Trái Đất quay nhanh hơn, sẽ đến lúc con người cần sử dụng giây nhuận âm, trừ đi một giây thay vì cộng vào. Theo kỹ sư Oleg Obleukhov của Meta, điều này sẽ gây hàng loạt vấn đề mới cho các phần mềm dựa vào bộ hẹn giờ hoặc hoạt động theo lịch trình.

Loai bo giay nhuan vao gio UTC anh 2

Một giây thêm vào đồng hồ từng khiến nhiều website gặp lỗi. Ảnh: Laughing Squid.

Năm 2012, giây nhuận khiến hàng loạt sản phẩm công nghệ gặp sự cố như diễn đàn Reddit, Mozilla, LinkedIn, Yelp và dịch vụ đặt vé máy bay Amadeus. Năm 2017, lỗi hệ thống của Cloudflare vì bổ sung giây nhuận khiến website của nhiều khách hàng ngừng hoạt động.

Một trong những sự cố thời gian đáng nhớ nhất là Y2K, khi các máy tính, vi mạch đồng hồ điện tử thời ấy chỉ dùng 2 số cuối của năm thay vì 4 số để tiết kiệm dung lượng lưu trữ. Khi chuyển giao sang thế kỷ mới, mọi hoạt động sử dụng máy tính và vi mạch đồng hồ điện tử bị đảo lộn bởi máy tính sẽ không thể phân biệt năm 2000 với 1900 do giá trị hiển thị là 00.

Đến năm 2038, sự cố tương tự có thể xảy ra khi một số máy tính dùng bộ 32-bit, đếm thời gian từ 1/1/1970 sẽ vượt giới hạn lưu trữ. Đầu năm nay, các trình duyệt cập nhật phiên bản 100 khiến một số website gặp lỗi bởi chúng chỉ nhận diện các phiên bản với 2 chữ số.

Mỏ vàng của Facebook, Google đang gặp nguy

Từng là nguồn thu chính của nhiều công ty công nghệ, quảng cáo trực tuyến gần đây đang trên đà chững lại, không mang về nguồn lợi như trước.

Apple, Google chấp thuận quy định kiểm duyệt nghiêm ngặt của Indonesia

Quy định mới của chính phủ Indonesia yêu cầu các hãng công nghệ chấp hành kiểm duyệt nội dung nếu muốn hoạt động trong nước.

Chuyến bay bỏ trốn của tổng thống Sri Lanka bị theo dõi thế nào

Các dịch vụ theo dõi máy bay tận dụng nhiều công nghệ và nguồn dữ liệu khác nhau để theo dấu Gotabaya Rajapaksa, cựu Tổng thống Sri Lanka.

Phúc Thịnh

Theo CNET

Bạn có thể quan tâm