Nhiều công ty công nghệ đối diện nguy cơ bị yêu cầu giao dữ liệu liên quan đến việc phá thai sau khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết trong vụ kiện Roe v Wade, xóa bỏ cơ sở pháp lý ở cấp liên bang bảo vệ quyền phá thai đã tồn tại trong hơn 50 năm.
Theo Reuters, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ bày tỏ lo lắng về khả năng bị cảnh sát yêu cầu nộp bằng chứng về lịch sử tìm kiếm, vị trí và những thông tin liên quan đến kế hoạch phá thai của người dùng. Các công tố viên cũng có thể gửi trát tòa với yêu cầu tương tự.
Tùy theo luật pháp tiểu bang, các công ty công nghệ thu thập nhiều dữ liệu như Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (công ty mẹ của Facebook) hay Amazon có thể trở thành nhân chứng bất đắc dĩ nếu cảnh sát yêu cầu nộp dữ liệu liên quan đến phá thai nhằm điều tra một người dùng cụ thể.
Google nằm trong nhóm công ty có khả năng bị cảnh sát yêu cầu nộp dữ liệu tìm kiếm nếu cần điều tra một người có phá thai hay không. Ảnh: Reuters. |
"Rất có thể yêu cầu sẽ được gửi đến các công ty công nghệ trên nhằm thu thập thông tin liên quan đến lịch sử tìm kiếm, các website đã truy cập", Cynthia Conti-Cook, thành viên tổ chức thúc đẩy phúc lợi con người Ford Foundation cho biết.
Trong những năm qua, các nền tảng công nghệ đã thu thập nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến việc mang thai của người dùng. Năm 2015, những người phản đối phá thai đã nhắm vào quảng cáo có chữ "Pregnancy Help" (giúp đỡ mang thai) và "You Have Choices" (bạn có lựa chọn), sử dụng công nghệ định vị để tìm kiếm những người từng đến phòng khám thai sản.
Tháng 5/2019, các công tố viên bang Mississippi đã buộc tội giết người với một phụ nữ khi phát hiện bà từng tìm kiếm thuốc phá thai trên smartphone trong kỳ tam cá nguyệt thứ 3 (giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ).
Trong khi các nghi phạm có thể vô tình giao điện thoại chứa thông tin gây bất lợi cho họ, tổ điều tra có thể chuyển sang các công ty công nghệ nếu không thu được bằng chứng rõ ràng. Năm 2019, cảnh sát Mỹ từng yêu cầu Google cung cấp dữ liệu vị trí để lần ra dấu vết của Okello Chatrie, một kẻ cướp ngân hàng.
Trong 3 năm đến tháng 6/2020, Amazon đã tuân thủ ít nhất 75% lệnh khám xét, trát tòa cùng các yêu cầu từ tòa án để cung cấp dữ liệu của người dùng Mỹ. Đại diện công ty cho biết họ phải chấp nhận "các yêu cầu hợp lệ và bắt buộc", nhưng mục tiêu là cung cấp lượng dữ liệu tối thiểu theo luật pháp.
"Sự khác biệt giữa 2 lần phá thai bị xem là phạm pháp tại Mỹ là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên giám sát kỹ thuật số chưa từng có", Eva Galperin, Giám đốc An ninh mạng tại Electronic Frontier Foundation cho biết.
Ngày 24/6, Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai của phụ nữ, gây ra phản ứng trái chiều và các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Ảnh: AP. |
Sau phán quyết của tòa án hôm 24/6, nhiều bang tại Mỹ dự kiến tăng mức hạn chế hoặc cấm phá thai hoàn toàn. Tại Oklahoma, một dự luật sẽ có hiệu lực vào tháng 8 quy định cấm phá thai trừ trường hợp khẩn cấp về y tế. Người cung cấp dịch vụ phá thai sẽ đối diện án phạt 100.000 USD và 10 năm tù.
Meta, công ty mẹ của Facebook đã cam kết hoàn trả chi phí đi lại cho những nhân viên phải tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bên ngoài tiểu bang, trong đó có dịch vụ phá thai.
Tuy nhiên, Meta hạn chế việc thảo luận nội bộ về phán quyết. Một nhân viên Meta ở Seattle cho biết người điều hành diễn đàn Workplace đã xóa các bài đăng đề cập đến việc phá thai, trích dẫn chính sách cấm nhân viên thảo luận về chủ đề chính trị.