Người đang lăm le thâu tóm Twitter đã có cuộc gặp mặt kéo dài một giờ với nhân viên của công ty. Tại đây, ông so sánh tầm nhìn của mình về Twitter với WeChat - siêu ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc.
"Hãy nghĩ về nó giống như WeChat ở Trung Quốc, hiện tại rất tuyệt, nhưng không có ứng dụng nào tương đương WeChat ở bên ngoài nước này", Musk cho biết khi trả lời câu hỏi về lý do ông muốn mua Twitter.
Tham vọng biến Twitter thành WeChat của phương Tây
Người giàu nhất thế giới cho biết WeChat phổ biến tại Trung Quốc vì nó hữu ích cho cuộc sống hàng ngày của người dùng. Ông cho rằng chỉ cần Twitter làm được điều tương tự, hoặc gần như vậy, thì sẽ thành công.
Elon Musk bày tỏ tham vọng biến Twitter thành siêu ứng dụng. Ảnh: AP. |
Theo Business Insider, WeChat có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Nó được coi là một siêu ứng dụng vì kết hợp nhắn tin tức thì, mạng xã hội và thanh toán di động vào một nền tảng duy nhất. Tuy nhiên, WeChat cũng bị chỉ trích vì nhiều lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật, cũng như các vấn đề kiểm duyệt.
“Chuyển đổi Twitter thành một siêu ứng dụng giống WeChat là một công việc lớn đối với Musk. Thay đổi hành vi của người tiêu dùng rất khó - điều mà Meta đã nhận ra khi thực hiện tham vọng siêu ứng dụng của riêng mình", Jasmine Enberg,nhà phân tích của Insider Intelligence, nói với AP.
CEO Tesla cũng so sánh Twitter và TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, khi thảo luận về các tiêu chuẩn nội dung trên Twitter.
"TikTok rất thú vị, nhưng bạn cũng muốn được thông báo về các vấn đề quan trọng. Tôi nghĩ Twitter có thể làm tốt điều này", Elon Musk cho biết.
Elon Musk không muốn làm CEO Twitter
Cũng tại buổi hỏi đáp, CEO Tesla và SpaceX khẳng định rằng ông đánh giá cao những nhân viên làm việc trực tiếp tại công ty hơn, nhưng nhân viên xuất sắc có thể làm việc từ xa nếu muốn. “Nếu nhân viên có năng lực xuất chúng và muốn làm việc từ xa thì tôi chẳng có lý do gì để sa thải họ cả”, ông nói.
Mặt khác, vị tỷ phú gốc Nam Phi không hề đề cập đến việc tiếp quản chức CEO sau khi mua lại Twitter. Ông nói mình không quan tâm đến chức vụ mà chỉ mong muốn tạo ra những sản phẩm cho công ty.
Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ tham gia trực tiếp vào mảng kinh doanh và phát triển sản phẩm của công ty mạng xã hội này. Đồng thời, CEO Tesla sẽ tư nhân hóa lại Twitter giống với ý định ban đầu.
Nhân viên Twitter tỏ ra lạc quan sau khi có cuộc hỏi đáp trực tiếp với Elon Musk. Ảnh: Getty Images. |
Trong suốt cuộc gọi, Musk còn nhắc đi nhắc lại về việc thu phí người dùng có tích xanh. Ông muốn Twitter thêm công nghệ thanh toán để người dùng có thể tự do chuyển tiền vào hoặc rút ra ngay trên tài khoản của mình.
Trước đó, hồi tháng 4, người giàu nhất thế giới từng úp mở hàng loạt đề xuất thay đổi cơ chế hoạt động của Twitter như thu phí khi nhúng các dòng tweet, trích dẫn nội dung từ những tài khoản đã xác minh hay mở dịch vụ trả phí Twitter Blue, bổ sung tùy chọn thanh toán bằng tiền mã hóa, giảm phụ thuộc vào quảng cáo…
Về phần mình, các nhân viên Twitter cảm thấy rất mơ hồ với vị tỷ phú công nghệ này. Một số người cho biết họ rất lo ngại những hành vi thái quá trên Twitter của ông trong quá khứ. Một số khác lại bất an trước mục tiêu xây dựng quyền tự do ngôn luận của ông trên nền tảng.
Thế nhưng, theo New York Times, nhiều người cho biết cảm thấy như được khích lệ và lạc quan về tương lai của công ty hơn sau khi kết thúc cuộc hỏi đáp với Musk. Họ cho rằng ông không hề có ý xấu và đã có những ý tưởng cụ thể để phát triển nền tảng.
Trước đó, tỷ phú công nghệ gốc Nam Phi đã nhiều lần cảnh báo ông có thể rút khỏi thỏa thuận 44 tỷ USD nếu Twitter không cung cấp dữ liệu về các tài khoản spam và giả mạo.
Ngày 13/5, Musk tuyên bố hoãn thương vụ để "chờ các chi tiết khẳng định thống kê rằng tài khoản giả chiếm chưa đầy 5% lượng người dùng trên nền tảng", nhưng bổ sung rằng ông "vẫn quyết tâm với thương vụ này".