Theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính tới thời điểm hiện tại, Goolge đã ngăn chặn khoảng 1.500 clip có nội xung xấu độc trên tổng số hơn 2.300 clip do cơ quan chức năng Việt Nam gửi tới đơn vị này.
Theo đó, từ khoảng tháng Hai tới nay, cơ quan chức năng đã nỗ lực phối hợp cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là Google và Facebook nhằm ngăn chặn những thông tin xấu độc tại các clip trên YouTube, tài khoản giả mạo, trang thông tin… có nội dung kích động bạo lực, chống phá nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Thời gian qua, có ba lần phái đoàn cấp cao của Google làm việc với nhà chức trách và Facebook là một lần. Trong các buổi làm việc, đại diện của hai “gã khổng lồ” này đều bày tỏ thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng trong việc làm sạch môi trường Internet, bảo vệ người dùng dựa trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng cho hay Google đã thiết lập riêng cơ chế để cơ quan chức năng Việt Nam có thể gửi cùng lúc nhiều link vi phạm tới tổ chức này cũng như đưa thêm công cụ giúp các nhà quảng cáo có thể kiểm soát tốt hơn quảng cáo của mình trên YouTube.
Trong khi đó, phía Facebook đã xử lý nhiều trang tin giả mạo do cơ quan chức năng của Việt Nam gửi tới. Bản thân mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng lập một đội để xử lý việc này.
Số liệu được lãnh đạo Cục An toàn thông tin đưa ra hồi tháng Hai cho thấy, Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số.
Biểu đồ số lượng người dùng Facebook thường xuyên ở Việt Nam. |
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thiết bị đầu cuối rẻ, Internet di động hiện đang có mặt tại khắp mọi nơi, việc tiếp cận thông tin với người dân là hết sức dễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các thế lực thù địch đã sử dụng triệt để nhằm bôi nhọ chế độ, lãnh đạo, nói xấu, kích động hằn thù, làm nhiễu thông tin, tung tin giả… gây hại cho người dùng.
Cơ quan quản lý cũng cho biết, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đã mạnh tay trong việc làm lành mạnh hóa môi trường thông tin trên Internet. Có như vậy, người dân mới được tiếp cận với những thông tin chính xác, có ích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.