Tòa phúc thẩm Mỹ vừa ra phán quyết có lợi cho Oracle, theo đó Google được xác định đã vi phạm luật bản quyền khi sử dụng phần mềm Java nguồn mở của Oracle để phát triển nền tảng Android năm 2009.
Phán quyết mới nhất tạm thời khép lại vụ kiện kéo dài 8 năm giữa Google và Oracle. Oracle đệ đơn kiện từ năm 2010, cáo buộc Google vi phạm hai sáng chế liên quan tới phần mềm Java, ngôn ngữ lập trình dùng cho smartphone và website.
Năm 2012, bồi thẩm đoàn khi đó phán quyết Java không được bảo vệ theo luật bản quyền. Tuy nhiên, hai năm sau, toà phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết này, đồng thời đặt nghi vấn Google vi phạm luật bản quyền khi sử dụng các hàm API của Oracle.
Vi phạm sáng chế liên quan tới Java, Google bị Oracle đòi bồi thường 9 tỷ USD. |
Năm 2016, bồi thẩm đoàn lại tuyên bố Google sử dụng hợp pháp các API của Oracle. Oracle đã kháng án và nay tòa phúc thẩm đã ra phán quyết nghiêng về hãng này.
Oracle cho rằng phán quyết mới nhất của tòa phúc thẩm đã giúp bảo vệ người dùng và người sáng tạo. Trong khi đó, Google tuyên bố sẽ có cách chống lại phán quyết này.
Sẽ có một vụ xử riêng rẽ khác quyết định số tiền mà Google phải trả cho Oracle.
Năm 2016, Oracle đòi Google bồi thường 9 tỷ USD, cao hơn nhiều số tiền 1,3 tỷ USD mà Oracle đã thắng kiện đối thủ SAP năm 2010.
Google không phải công ty duy nhất thiệt hại từ phán quyết này. Rất nhiều công ty khác đang dựa vào phần mềm nguồn mở để phát triển nền tảng riêng. Điều đó có nghĩa, những công ty này phải trả phí bản quyền nếu muốn tiếp tục sử dụng, còn không phải tự phát triển nền tảng từ đầu.
Theo nhận xét của Christopher Carani, giáo sư trường luật Northwestern, phán quyết mới nhất của tòa phúc thẩm sẽ thay đổi toàn bộ cách thức phát triển phần mềm hiện nay.