Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Google bị phạt nặng tại Ấn Độ

162 triệu USD là mức phạt Ấn Độ yêu cầu Google phải trả vì độc quyền thị trường smartphone Android.

Đây sẽ là một đòn đau cho Google vì Ấn Độ là thị trường lớn nhất của hãng. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 20/10, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã phạt Google 162 triệu USD vì vị thế áp đảo của hãng công nghệ với hệ điều hành Android của mình.

Cơ quan chống độc quyền này cho biết Google đã bành trướng quyền lực trên thị trường điện thoại bằng cách mặc định cài đặt các ứng dụng của mình trên smartphone chạy Android. Điều này được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

“Google đã cài sẵn các app của mình như Play Store trên toàn bộ thiết bị Android của các hãng công nghệ. Điều này khiến những hãng này không có cơ hội phát triển hay bán các thiết bị khác mà không sử dụng Android”, CCI khẳng định.

Theo TechCrunch, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ đã bắt đầu điều tra Google từ hơn 3 năm trước, khẳng định rằng Google đang chiếm vị thế độc quyền trên 5 thị trường khác nhau. Trong đó, bao gồm hệ điều hành, kho ứng dụng, dịch vụ tìm kiếm, trình duyệt web và dịch vụ video ở Ấn Độ.

Google phat vi app Android anh 1

Ấn Độ yêu cầu Google không được ép các hãng công nghệ cài sẵn app mặc định của mình. Ảnh: Shutterstock.

CCI nói rằng hãng đã bắt các nhà sản xuất phải cài đặt trước tất cả ứng dụng trong Google Mobile Suite, gây ra “bất công” cho các hãng công nghệ và vi phạm luật của quốc gia này. Tập đoàn Mỹ bị cơ quan chống độc quyền tố “thiên vị” trong công cụ tìm kiếm và lạm dụng vị trí thống trị của mình, khiến các ứng dụng tìm kiếm khác không thể cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, đã đề xuất các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế sự bành trướng của Google. Trong đó, Google sẽ phải thay đổi hàng loạt cài đặt trên hệ điều hành của mình như cho phép người dùng gỡ cài đặt các ứng dụng Google, tự do lựa chọn công cụ tìm kiếm theo ý muốn… Những đề xuất này sẽ khiến tốc độ phát triển Google chậm lại đáng kể trên thị trường smartphone Ấn Độ, các nhà phân tích của CCI cho biết.

Đây sẽ là một đòn đau cho Google vì Ấn Độ là thị trường lớn nhất của hãng nếu tính theo lượng người dùng. Hệ điều hành Android của hãng xuất hiện trên 97% smartphone bán ra tại quốc gia này, theo số liệu từ công ty phân tích Counterpoint.

Tài liệu của CCI còn chỉ ra Google xem Apple là đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, hãng sản xuất iPhone chỉ chiếm một phần nhỏ thị phần, trong khi smartphone chạy Android chiếm hơn 84% số thiết bị bán ra trên thị trường.

Theo TechCrunch, khiếu nại của CCI đã được công bố từ tháng 2/2018, yêu cầu phạt 23 triệu USD. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Google đã phản đối phán quyết của cơ quan điều tra Ấn Độ và nộp đơn kháng cáo. Hãng công nghệ nói rằng cơ quan đã tiết lộ thông tin cơ mật, dồn họ vào thế bí và ảnh hưởng đến các đối tác của họ.

Google phat vi app Android anh 2

Đây không phải là lần đầu tiên Google bị kiện vì vi phạm luật chống độc quyền. Ảnh: Getty Images.

Song, hãng công nghệ này đã nhiều lần bị các cơ quan lập pháp “sờ gáy” vì vị thế độc quyền của mình trên thị trường.

Tháng 6/2020, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ đã xem xét những cáo buộc tố Google vì đã cản trở công ty muốn sử dụng hoặc phát triển phiên bản đã qua tùy biến của Android trên Smart TV. Cụ thể, đơn kiện đã tiết lộ các thỏa thuận giữa Google và các hãng sản xuất TV như Xiaomi, TCL.

Họ đã ngăn các nhà sản xuất này không được sử dụng đồng thời hệ điều hành Android và phiên bản khác trên toàn bộ sản phẩm. Ví dụ như nếu một công ty bán smartphone sử dụng Android thì nó sẽ không có quyền bán Smart TV chạy trên nền tảng đang cạnh tranh với Google như Amazon Fire TV. Ngược lại, nếu TV của họ dùng Amazon Fire TV thì smartphone của nó không thể cài đặt Play Store hoặc ứng dụng bản đồ của Google.

Hồi tháng 2, Cơ quan Chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) cũng tố Google vi phạm luật chống độc quyền vì không minh bạch trong việc chặn và xóa những tài khoản, nội dung do người dùng đăng tải trên YouTube.

Lý do Microsoft, Google phá hủy hàng triệu ổ cứng mỗi năm

Để loại nguy cơ lộ thông tin, các Big Tech đều đặn tiêu hủy hàng triệu ổ cứng mỗi năm. Quy trình này bị chỉ trích vì gây lãng phí tài nguyên và xả thải môi trường nghiêm trọng.

Bất ngờ nhận được 250.000 USD do Google chuyển nhầm

Một kỹ sư bảo mật được Google chuyển nhầm khoản tiền lớn, đến nay vẫn chưa được công ty liên hệ để thu hồi tiền.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm