Đây là thông tin được ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chia sẻ tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai gói cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo Ngân sách Chính sách, hiện nay đã ghi nhận 63/63 chi nhánh ngân hàng thuộc các tỉnh, thành phố chủ động tiếp cận và hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện việc lập hồ sơ vay vốn.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đang trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16 cũng đã thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, bưu điện để tiếp nhận, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ.
Hiện hệ thống Ngân hàng Chính sách đã tiếp nhận 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng, để trả lương cho 50.175 lượt người lao động.
Trong đó, số hồ sơ được phê duyệt đến nay là 276 lượt với số tiền gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động.
Đến ngày 17/8, đã có 51 chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho 267 người sử dụng lao động với số tiền gần 170 tỷ đồng để trả lương cho 48.737 lượt người lao động.
Sau gần một tháng triển khai, gói cho vay lãi suất 0%/năm trả lương người lao động bị ngừng việc mới giải ngân được 2,2%. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong các địa phương có đề nghị vay ưu đãi, Bắc Giang là địa phương có doanh số giải ngân cao nhất với 90,2 tỷ cho 48 người sử dụng lao động để trả lương cho 26.592 lượt người lao động. Trong đó, khách hàng vay cao nhất là Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc với số tiền 16,3 tỷ và trả lương được cho 4.762 người lao động.
Số tiền cho vay kể trên nằm trong gói 7.500 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay ưu đãi lãi suất 0%/năm trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, thời hạn cho vay tối đa là 364 ngày.
Như vậy, với việc mới giải ngân được 170 tỷ đồng sau gần một tháng triển khai, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng này mới đạt khoảng 2,2%.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều người sử dụng lao động chưa liên hệ để làm hồ sơ đề nghị vay vốn.
Bên cạnh đó, có một số đơn vị đã làm hồ sơ vay vốn và được phê duyệt cho vay, nhưng sau đó không có nhu cầu vay nữa hoặc đã giải ngân nhưng sau đó trả nợ sớm. Một số địa phương cũng đang gặp vướng mắc trong việc xác định nhà máy phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cũng tại hội nghị, đại diện một số địa phương cũng chia sẻ một số khó khăn khi người sử dụng lao động muốn tham gia vay ưu đãi từ gói tín dụng này.
Cụ thể, theo quy định doanh nghiệp muốn vay vốn phải được cơ quan chức năng xác định là đang phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, các địa phương chưa có quy định cụ thể về đối tượng phải dừng hoạt động dẫn đến việc khó xác định người sử dụng lao động dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho rằng quy định người lao động phải ngừng việc tối thiểu 15 ngày liên tục là rất khó đáp ứng. Trên thực tế, để bảo đảm thu nhập cho người lao động và duy trì hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên theo ngày, hoặc theo tuần với người lao động.
Ngoài ra, điều kiện để tiếp cận gói tín dụng này cũng là doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng.