Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 8/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế TP trong năm 2021, TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Liên kết vùng phát triển du lịch nội địa
TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò hội đồng ngành trong các lĩnh vực chủ lực, đóng góp giá trị gia tăng cao. Hội đồng ngành sẽ bao gồm đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, nhà trường - viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong từng lĩnh vực. Hiện TP.HCM đã thành lập hội đồng ngành cơ khí, công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm và sẽ tiếp tục thành lập các hội đồng ngành mới.
TP.HCM cũng sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế năm 2021 phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Đây là sự kiện thường niên để thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế TP.HCM nhưng năm nay chưa tổ chức được vì dịch Covid-19.
Đồng thời, TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025 và sẽ sớm xác định chỉ tiêu cụ thể cho lĩnh vực kinh tế số trong năm tới trên tinh thần nhất quán với mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia.
Với ngành du lịch, TP.HCM xác định tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng, phát triển du lịch nội địa khi chưa thể đón khách quốc tế trở lại. TP.HCM đã ký kết với với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung với mục tiêu đẩy mạnh du lịch nội địa. “Tiềm năng du lịch nội địa còn rất lớn”, ông Phong khẳng định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn của đại biểu HĐND sáng 8/12. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh một trong những trọng tâm của TP thời gian tới là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trên toàn TP bị tác động nặng nề sau dịch.
Sau gói hỗ trợ lần đầu tiên, TP.HCM đang dự kiến chuẩn bị hơn 4.000 tỷ đồng triển khai gói hỗ trợ tín dụng lãi suất 0%. Đối tượng được hỗ trợ sẽ là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, dệt may, giày da, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm.
Song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, TP.HCM cũng xác định phải quyết liệt trong công tác cải thiện môi trường đầu tư. Theo ông Phong, vốn đầu tư công thời gian qua đang được đẩy mạnh để kích thích tổng cầu nhưng chỉ chiếm hơn 13% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Do đó, TP phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để tận dụng được hơn 90% vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài.
Chủ tịch TP.HCM dẫn số liệu cho biết từ đầu năm đến nay TP.HCM cấp phép cho khoảng 1.300 dự án FDI nhưng quy mô bình quân mỗi dự án chỉ đạt 540.000 USD. Theo ông, đây là con số quá nhỏ.
Ông Phong thừa nhận việc cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM chưa đủ mạnh, đột phá, còn những hạn chế. Trong giai đoạn 2016-2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM vẫn tăng nhưng không nhiều. Khi các địa phương có sự tăng điểm mạnh mẽ, TP.HCM bị tụt từ hạng 6 xuống 14 sau 4 năm.
Trong bối cảnh dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ các nước đang cân nhắc lựa chọn Việt Nam, việc tiếp tục nâng cao môi trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư là đòi hỏi cấp thiết với TP. Do đó, TP.HCM xác định chọn 2021 là năm cải thiện môi trường đầu tư.
Lãnh đạo TP sẽ yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành. Cơ quan nào bị doanh nghiệp phản ánh, người đứng đầu cơ quan đó sẽ phải chịu trách nhiệm. UBND TP.HCM tiếp tục duy trì, phát triển hiệu quả hơn nữa hoạt động của tổ công tác đầu tư.
Ngoài ra, TP.HCM cũng tiếp tục tính toán chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả tài nguyên đất đai khi nông nghiệp hiện tại chỉ đóng góp 0,7% tổng giá trị sản phẩm của TP. Lãnh đạo TP.HCM đồng thời ưu tiên mời gọi nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao tham gia đầu tư và hạn chế các lĩnh vực thâm dụng lao động lớn.