Nằm trải dài trên vùng sa mạc có diện tích gấp 4 lần thủ đô Washington, một thủ đô mới tráng lệ đang mọc lên ở Ai Cập.
Trải qua 6 năm xây dựng với chi phí ước tính 59 tỷ USD, đây là dự án lớn nhất trong hàng loạt siêu dự án được triển khai bởi một tổng thống quyết tâm định hình lại Ai Cập.
Thủ đô hành chính mới nằm ngay bên ngoài Cairo, bao gồm tòa nhà cao nhất châu Phi, một kim tự tháp pha lê và một cung điện hình tròn dẹt, được lấy cảm hứng từ biểu tượng cho vị thần mặt trời của Ai Cập cổ đại, dành cho Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi.
Bên cạnh đó là đường cao tốc với 8 làn xe chạy ngang qua những con phố đổ nát của Cairo, bao quanh các ngôi mộ cổ và kim tự tháp Giza. Những cây cầu khổng lồ mới cũng được xây dựng bắc qua sông Nile.
Các dự án, hầu hết được xây dựng bởi quân đội, đã giúp ông el-Sisi trở thành người mới nhất trong danh sách nhà lãnh đạo Ai Cập - những người tìm cách thể hiện quyền lực của mình qua công trình hùng vĩ mọc lên từ sa mạc.
Nhưng khi Ai Cập trải qua một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ngày càng có nhiều nghi ngờ đặt ra về khả năng tài chính của nước này để biến giấc mơ vĩ đại đó thành hiện thực.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi bên cạnh mô hình thủ đô mới của Ai Cập mới. Ảnh: AFP. |
Vấn đề tài chính
Chỉ trong 6 năm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cho Ai Cập vay 3 lần với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD, ngay cả khi dòng viện trợ của Mỹ vẫn liên tục chảy vào.
Tổng thống đang “vay tiền từ nước ngoài để xây dựng một thành phố lớn cho những người giàu có”, Maged Mandour, nhà phân tích chính trị Ai Cập, nói.
Trong khi đó, người nghèo và tầng lớp trung lưu phải trả giá đắt cho siêu dự án, thông qua các khoản thuế, cùng những dịch vụ xã hội và trợ cấp bị cắt giảm, ông cho biết thêm.
Trên thực tế, mặc dù nguồn tài chính cho các dự án mới vẫn chưa rõ ràng, chúng được tài trợ một phần bởi vốn Trung Quốc cũng như trái phiếu lãi suất cao - điều sẽ khiến Ai Cập phải tốn kém trong những năm tới.
Tài chính của Ai Cập vốn rất mong manh. Trước đó, Tổng thống el-Sisi đã vay nặng lãi để chi trả cho các siêu dự án và dành hàng tỷ USD mua vũ khí quốc tế. Điều này khiến nợ quốc gia tăng gấp 4 lần chỉ trong hơn một thập kỷ.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs gần đây ước tính Ai Cập cần khoản cứu trợ 15 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế để đối phó với các chủ nợ của mình.
Khu vực của cơ quan chính phủ tại thủ đô hành chính mới ở Ai Cập vào tháng 9. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy nhiên, bộ trưởng Tài chính Ai Cập cho biết số tiền thực tế mà họ có thể nhận được sẽ ít hơn nhiều. Các nhà ngoại giao dự đoán con số này là 3 tỷ USD.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng khiến nền tài chính của Ai Cập chao đảo.
Khi lãi suất và giá thực phẩm tăng cao trong mùa hè này, tài chính công trở nên căng thẳng đến mức chính phủ yêu cầu trung tâm thương mại, sân vận động và các cơ sở công cộng khác hạn chế bật điều hòa và tắt bớt đèn.
Động thái này được cho là nhằm tiết kiệm năng lượng để có thể bán nhiều hơn ra nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế cảnh báo Ai Cập là một trong số ít các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ. Ngay cả những người ủng hộ ông el-Sisi cũng đang lo lắng về “nỗi đau kinh tế” trong tương lai.
“Năm 2023 sẽ đen tối và kinh khủng”, Amr Adeeb, người dẫn chương trình truyền hình ủng hộ tổng thống lâu năm, cho biết.
Dù vậy, như trước đây, Ai Cập có thể được các đồng minh cứu thoát khỏi thảm họa. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar đã đầu tư ít nhất 22 tỷ USD vào nước này trong năm nay.
Vào hôm 13/9, tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã tới thăm Qatar để tìm kiếm thêm hỗ trợ tài chính và đầu tư nhằm giải quyết cú sốc kinh tế, Reuters đưa tin.
Và mặc dù phải đối mặt với một số chỉ trích, ông el-Sisi vẫn khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục tiến về phía trước.
Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Ảnh: Reuters. |
Thành phố mới được coi là giải pháp cho tình trạng quá tải dân số ở thủ đô Cairo với hơn 20 triệu cư dân sinh sống.
Kết xuất đồ họa từ máy tính đã mô tả một thủ đô hành chính với những đại lộ xanh tươi, những tuyến xe điện ồn ào và việc ứng dụng rộng rãi công nghệ kỹ thuật số.
Theo Reuters, một mạng lưới khoảng 6.000 camera sẽ giám sát đường phố và báo cáo hoạt động đáng ngờ. Chính quyền sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa việc sử dụng nước và quản lý chất thải.
Trong khi đó, người dân có thể sử dụng thẻ thông minh và ứng dụng để mở khóa cửa, thanh toán cùng lướt web với wifi công cộng được truyền từ các cột đèn.
Thiết kế "thành phố thông minh" dường như mở ra một thế giới mới so với thủ đô hiện tại, nơi cơ sở hạ tầng ọp ẹp và các công việc hành chính có thể kéo dài hàng giờ xếp hàng.
Ông el-Sisi khẳng định một ngày nào đó người dân Ai Cập sẽ cảm ơn ông.
“Khi chúng tôi bắt đầu xây dựng các thành phố mới, người ta nói rằng chúng tôi đang tiêu rất nhiều tiền mà không có lý do chính đáng”, ông nói vào tháng 2.
"(Thế nhưng), rốt cuộc họ đang sống như thế nào?", ông đề cập đến các quận nghèo khó ở Cairo.
"Thành phố không dành cho chúng tôi"
Dù vậy, theo các nhà kinh tế, trừ khi tổng thống Ai Cập đưa ra những thay đổi lớn hơn, như nới lỏng sự kìm kẹp kinh tế của quân đội và khởi động lại ngành công nghiệp tư nhân, nếu không lợi ích của dự án mới sẽ rất ngắn ngủi.
Trong khi chính phủ hứa rằng thành phố mới sẽ cung cấp hàng triệu việc làm và nhà ở cần thiết, một số chuyên gia nói rằng phần lớn việc làm được tạo ra cho đến nay chỉ là công việc xây dựng được trả lương thấp.
Bên cạnh đó, việc bao nhiêu dân thường ở Ai Cập sẽ cảm thấy thoải mái với thủ đô mới vẫn còn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi.
Một số người Ai Cập coi thủ đô mới là đặc quyền dành cho giới thượng lưu ở quốc gia có gần 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Công nhân xung quanh các địa điểm xây dựng của thủ đô mới vào năm 2020. Ảnh: New York Times. |
Trong một buổi chiều khi thành phố đang được xây dựng, hai công nhân Mohammed Mahmood (27 tuổi) và Omar Shaikh (28 tuổi), mặc quần jean bó, đứng giữa cần cẩu và khói bụi để chờ chuyến xe buýt về nhà ở Sohag.
Với đồ đạc nhét đầy trong bao tải vải, họ nghi ngờ mình sẽ không bao giờ trở lại thành phố mới - nơi có căn hộ rẻ nhất lên tới 80.000 USD - sau khi việc xây dựng hoàn thành.
“Không có cái nào trong số này dành cho chúng tôi”, Mahmood nói. Anh chỉ về phía những tòa nhà có mặt tiền bằng đá cẩm thạch, sau đó đến một biển quảng cáo có hình ảnh của ông el-Sisi và nói: “Nó dành cho ông ấy”.
Ít ai có thể tranh cãi rằng Ai Cập, với dân số hơn 100 triệu người và tăng hơn 1 triệu người mỗi năm, đang cần gấp nhiều nhà ở.
Nhưng nhiều nhà quy hoạch đô thị nói rằng việc sửa chữa các thành phố xuống cấp sẽ tốt hơn là xây dựng thành phố mới. Bởi không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính, việc xây dựng còn ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên đất nước.
Nhu cầu từ các thành phố mới đang đe dọa sông Nile - nguồn nước chính của Ai Cập - vốn đã cạn kiệt.
Không chỉ vậy, để có chỗ cho những con đường cao tốc chạy qua Cairo, dẫn đến thành phố mới, nhiều mảnh đất trồng cây rộng lớn ở khu phố cổ của Heliopolis đã bị san bằng.
Theo New York Times, khi chi phí dành cho thủ đô mới tiếp tục tăng lên từng ngày, ông el-Sisi sẽ phải đứng trước nguy cơ đối mặt với sự bất bình của người dân Ai Cập - những người phẫn nộ về khoảng cách giữa lời hứa suông của tổng thống và thực tế nghiệt ngã trong cuộc sống của họ.