Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gỡ vướng trong thực hiện chế độ nhuận bút lĩnh vực báo chí, xuất bản

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Nhuan but anh 1

Nghị định thay thế được thực hiện nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thời gian qua.

Bộ TT&TT cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực báo chí, xuất bản dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP chưa quy định đầy đủ các đối tượng có liên quan (gián tiếp) sản xuất tác phẩm báo chí; mặt khác quy định không thống nhất giữa đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử với tác phẩm báo nói, báo hình. Do đó, một số đối tượng tham gia vào việc sản xuất, công bố tác phẩm báo chí (nhân sự thuộc bộ phận kỹ thuật, hành chính…) không được hưởng thù lao.

Một số thể loại báo chí chưa được quy định là đối tượng được tính nhuận bút, thù lao trong Nghị định số 18/2014/NĐ-CP. Do đó, cơ quan báo chí không có căn cứ để tính nhuận bút, thù lao đối với những tác phẩm này.

Trong thực tế, bằng việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tác phẩm báo chí được cơ quan báo chí sản xuất, đăng, phát trên các nền tảng số. Những tác phẩm này thể hiện tính sáng tạo, có sự lan tỏa đến nhiều người đọc. Nghị định số 18/2014/NĐ-CP chưa có quy định tính nhuận bút, thù lao cho các trường hợp này, dẫn đến các cơ quan báo chí phải trả chi phí để sản xuất nhưng không được tính nhuận bút, thù lao.

Đối với lĩnh vực xuất bản, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP chưa quy định cụ thể cách tính nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm điện tử (chỉ quy định thỏa thuận cách tính nhuận bút và mức nhuận bút). Do đó, các nhà xuất bản không có căn cứ để áp dụng chi trả nhuận bút.

Về cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút: Nghị định số 18/2014/NĐ-CP chưa xác định rõ cơ chế hạch toán vào Quỹ nhuận bút từ nguồn thu dịch vụ, dẫn đến tác động vào chính sách thuế và hiệu quả tài chính; quy định được trích Quỹ nhuận bút từ nguồn ngân sách nhà nước không phù hợp với Luật Ngân sách năm 2015. Do đó, cần bãi bỏ toàn bộ các quy định về Quỹ nhuận bút trong hoạt động báo chí.

Mặt khác, cơ chế chi trả nhuận bút, thù lao theo quy định của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính là bất cập. Trong khi đó, cùng quy định về chế độ nhuận bút, thù lao nhưng Nghị định 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định rõ đối tượng điều chỉnh là tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là nhà nước.

Do vậy, cần thiết quy định rõ đối tượng điều chỉnh trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Từ các căn cứ nêu trên, Bộ TT&TT nhận thấy cần thiết phải xây dựng Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, đồng thời thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy khai thác giá trị bản quyền lĩnh vực báo chí, xuất bản có sử dụng tiền ngân sách nhà nước, tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí, nhà xuất bản sáng tạo các tác phẩm có giá trị.

Bố cục của dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả tiền bản quyền, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Rà soát đầy đủ để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thời gian qua; thay thế, bãi bỏ các quy định về chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản không còn phù hợp bằng các quy định về tiền bản quyền.

Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 12 Điều (giảm 01 Chương và 04 Điều so với Nghị định số 18/2014/NĐ-CP).

Chương I. Quy định chung (04 Điều).

Chương II. Tiền bản quyền đối với tác phẩm báo chí (03 Điều).

Chương III. Tiền bản quyền đối với sáng tạo, sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản (03 Điều).

Chương IV. Điều khoản thi hành (02 Điều).

Bài liên quan

https://baochinhphu.vn/go-vuong-trong-thuc-hien-che-do-nhuan-but-thu-lao-linh-vuc-bao-chi-xuat-ban-102240906114853063.htm

Minh Hiển/Báo Chính Phủ

Bạn có thể quan tâm