Đầu tháng 9, chị Diệu Liên (37 tuổi, TP Thủ Đức) cùng con trai lên chuyến bay sang Mỹ có việc gấp. Cô giúp việc gắn bó với gia đình lâu nay rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Không có người thân ở thành phố, trong khi tuổi cũng đã cao, người phụ nữ giúp việc không thể về quê vì TP.HCM đang giãn cách, cũng chưa tìm được ngay chỗ làm khác ở khu lân cận vì không có giấy đi đường.
Chị Liên quyết định đăng tin lên trang nội bộ chung cư Masteri Thảo Điền, nơi gia đình sinh sống, để tìm nhà mới cho cô giúp việc.
Gia chủ giúp người làm tìm việc
Bài đăng của chị Liên kèm theo một số thông tin cá nhân và việc cô đó đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Vài ngày sau khi chị Liên đăng tin đã có gia đình liên hệ với cô giúp việc để nhận. Tuy vậy, công việc phải tới đầu tuần sau mới bắt đầu vì gia chủ phải chuẩn bị một số thứ.
Chị Liên nhắn chủ mới cho cô giúp việc thỉnh thoảng về tưới cây ở căn hộ giúp mình, trong khi đợi bạn chị tới mang cây đi.
Người giúp việc gặp những khó khăn trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: The Straits Times. |
Hợp đồng nhà vẫn còn thời hạn nên hàng tháng chị Liên vẫn đóng 13 triệu tiền thuê nhà và tiện điện, nước cho căn hộ. Cùng với đó, chị vẫn gửi lương cho cô giúp việc, giúp cô một khoản trang trải mùa dịch.
“Dịch bệnh khiến kế hoạch thay đổi, các gia đình ngại người lạ vào nhà nên cô giúp việc gia đình tôi quý mến cũng rơi vào thế khó tìm việc. Nghe tin cô đã tìm được chỗ làm mới làm tôi cũng mừng”, chị Liên tâm sự.
Khi qua tới Mỹ, chị Liên vẫn bị phía cho thuê nhà than phiền không muốn cô giúp việc ở tại căn hộ thêm ngày nào vì không phải là người trực tiếp thuê nhà. Chị phải dành nhiều thời gian giải thích để cô giúp việc được ở tại đây trước khi tới nơi làm việc mới.
Giữa tháng 7, chị Trà Giang (cư dân Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) đăng tải thông tin lên nhóm chung cư của dân, mong muốn một gia đình nào đó sống cùng tòa nhà cần người có thể tuyển cô giúp việc nhà mình vào làm. Lý do là gia đình sắp chuyển về Bắc, người giúp việc nhà chị Giang bị “mắc kẹt” khi chưa tìm được nơi làm mới, cũng chưa biết cách về quê.
Mãi đến 22/8, không có người liên hệ, cô Lâm giúp việc cùng gia đình chị Giang lên chuyến ôtô về Bắc. Tới Thanh Hoá, xe dừng lại để cô về quê, sau đó cách ly và ở nhà còn gia đình chị Giang thì tiếp tục hành trình về Bắc Giang.
“Từ đó đến nay tôi cũng hỏi thăm thì cô nói đang ở nhà làm những việc lặt vặt. Cô đang đợi tình hình dịch được kiểm soát để vào TP.HCM kiếm việc”, chị Giang cho biết.
Mỗi người một cảnh
Trong khi đó, nhiều gia đình có người giúp việc trong nhà mùa này cũng lo sợ họ bị lây nhiễm bệnh khi phải thường xuyên giao nhận hàng.
Gia đình chị H.N. (quận Bình Thạnh) có thuê 2 người giúp việc. Một người làm việc nhà và một người chăm em bé. Dịch bệnh khiến chị H.N. lo lắng khi người giúp việc phải ra ngoài đi siêu thị. Do đó, gia đình chọn phương án mua thực phẩm qua mạng và giao tận nhà để đỡ khâu đi lại.
“Các cô hàng ngày bế con nên để 2 người đi ra ngoài thời điểm này tôi cũng lo. Mỗi lúc ra cổng nhận hàng, tôi đều nhắc hai cô đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, vào tới nhà phải rửa tay và thay quần áo ngay”, chị H.N. nói.
Dự báo nhu cầu giúp việc bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm nhưng có thể nguồn cung sẽ thiếu hụt Ảnh minh hoạ: Clean My Space. |
Khi phường lên danh sách tiêm vaccine ngừa Covid-19, gia đình chị H.N. cũng vội đăng ký để hai người giúp việc được tiêm. Công việc giữa mùa dịch không nhiều như trước vì cả ba mẹ và vợ chồng chị N. thay nhau giữ cháu, phụ việc nhà nhưng mức lương của hai người giúp việc vẫn được giữ nguyên.
Không may mắn như vậy, chị K. (50 tuổi, quê Quảng Nam) làm giúp việc theo giờ. Chị thuê một phòng trọ ở quận Bình Thạnh rồi hàng ngày tới các khu chung cư lân cận giúp việc, chăm em bé. Với mức lương 50.000 đồng/giờ, chị K. một ngày kiếm được vài trăm nghìn.
Sở dĩ chị K. không chọn làm toàn thời gian vì làm theo giờ đỡ gò bó, buổi tối có không gian riêng để chị nghỉ ngơi chứ không phải thức đêm pha sữa hay chăm em bé, trong khi mức lương theo giờ lại nhỉnh hơn.
Trừ chi phí tiền trọ và ăn uống, mỗi tháng chị K. cũng gửi được vài triệu về quê cho con nhỏ ở nhà ăn học. Khi dịch bùng phát, chị phải ở tại nhà trọ, chờ hội đồng hương giúp đỡ về quê.
“Không có giấy đi đường, chung cư lại không có người lạ vào nhà nên tôi chưa thể đi làm được”, chị K. bộc bạch.
Ở vai trò cầu nối giữa người giúp việc và chủ thuê nhà, đại diện công ty TNHH Gia An chia sẻ với Zing hoạt động thuê giúp việc ngưng trệ hẳn thời gian này, cả toàn thời gian và giúp việc theo giờ.
Theo người này, lúc giãn cách chủ nhà ở nhà nhiều hơn, có thời gian rảnh hơn nên họ ít cần người phụ giúp việc bếp núc, chăm em bé.
Một phần cũng vì nhiều người tạm thời ngưng việc nên thu nhập sẽ giảm, tìm người giúp việc không phải là biện pháp ưu tiên lúc này. Mặt khác người lạ vào nhà lúc này cũng là một lo ngại lớn.
Ở phía của người giúp việc, một số người khi không có việc làm sẽ chọn cách về quê tránh dịch. Điều này sẽ tạo nên sự thiếu hụt nhân sự làm việc trong lĩnh vực này vào cuối khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Lúc này, nhu cầu giúp việc bắt đầu tăng trở lại nhưng có thể nguồn cung sẽ thiếu hụt”, đại diện công ty TNHH Gia An đưa ra dự báo.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.