Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữa tiền quyền, danh lợi, nhiều người vẫn ham văn chương

Buổi tọa đàm nhân ra mắt tiểu thuyết “Cô độc” không chỉ luận bàn về tác phẩm, mà trở thành nơi cất lời của những người yêu văn chương.

Cuộc sống hiện đại với những vòng quay khắc nghiệt ngày càng đẩy con người đi xa miền đất văn chương, chữ nghĩa. Nhưng giữa những người ham tiền, ham chức, ham quyền, vẫn có những người ham văn chương. Buổi chiều đông cuối năm, tại nhà số 4 (tên gọi mà giới văn chương trìu mến đặt cho tạp chí Văn nghệ Quân đội - ở địa chỉ số 4 Lý Nam Đế), nhiều nhà văn, nhà phê bình đã hội ngộ trong một cuộc trò chuyện ấm cúng về văn chương.

Cuộc hành hương của chữ

Buổi tọa đàm “Cuộc hành hương của chữ” nhân ra mắt tiểu thuyết Cô độc do công ty Tao Đàn tổ chức dường như chỉ là một cái cớ để những người bấy lâu yêu, đắm đuối văn chương gặp mặt. Nhà văn Uông Triều - tác giả Cô độc - mở lời tọa đàm: “Tôi muốn chia sẻ tình yêu văn chương. Chúng ta làm nghề mà không yêu không quý thì còn ai yêu nữa”.

Sự nghiệp của Uông Triều là một minh chứng cho tình yêu ấy. Là một giáo viên dạy ngoại ngữ làm bạn với phấn trắng bảng đen, nhưng tình yêu văn chương không ngừng thôi thúc Uông Triều. Anh rẽ sang ngả văn như một lối đi tất yếu của cuộc đời. Dẫu vậy, cuộc hành hương của chữ không vì tràn đầy tình yêu mà trở nên dễ dàng.

Co doc anh 1
Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Bình Phương, TS Phạm Xuân Thạch, TS Mai Anh Tuấn, nhà văn Uông Triều, TS Thanh Tâm tại tọa đàm. Ảnh: Thành Duy

Theo TS Phạm Xuân Thạch, trên hành trình của mình, Uông Triều đã thử nghiệm nhiều lối viết. Từ những cuốn khảo cứu, tập truyện ngắn, cho tới các tiểu thuyết, mỗi tác phẩm là một phong cách riêng. Cô độc - tiểu thuyết mới nhất của anh - cũng là một thể nghiệm, một nỗ lực làm mới, khác biệt.

Nhân vật chính của truyện là B - biên tập viên đầy quyền năng của một nhà xuất bản - sống trong vòng lặp lại của những bản thảo nhàm chán. Anh chờ đợi, tìm kiếm một bản thảo đỉnh cao, một cú nổ chói lòa trên văn đàn, nhưng cuộc tìm kiếm diễn ra trong vô vọng.

Sống giữa nhà xuất bản có bề dày truyền thống, B bất chấp những đỉnh cao cũ, vĩ nhân cũ, anh cho rằng các giá trị xưa đã thành lỗi thời, để rồi lựa chọn, ủng hộ cho cái mới.

“Di sản có tốt, có hay đến mấy thì ta cũng phải vượt qua nó. Sức nặng của di sản kinh khủng, khiến người ta thấy đã đến lúc phải chấm dứt nó. Đó là ý tưởng tuyệt vời của tác phẩm, đáng để chúng ta thưởng thức”, TS Phạm Xuân Thạch nói.

Co doc anh 2
Cô độc - cuộc tìm kiếm một bản thảo mới, lối viết mới của văn chương. 

Ta không tìm được ở Cô độc sự hấp dẫn của câu chuyện, của sự kiện. Ở đó, nhà văn như một nhà tâm lý, khi đi sâu vào tìm tòi sáng tạo cũng là đi vào mọi ngóc ngách tâm lý con người. Với TS Mai Anh Tuấn, Cô độc tạo ra một nhịp chậm, nhịp điệu chậm ấy tạo ra những khoảng trống để đối thoại nội tâm. Giữa thời đại tốc độ như hôm nay, mạch chậm rãi là điều níu độc giả.

Tác giả đã dùng tiểu thuyết để bàn về văn chương, giá trị văn học. Thông qua hai nhân vật cùng làm nghề biên tập, cùng khát khao đón chờ cái mới, nhà văn bộc lộ cảm quan của mình. Có lẽ đây là tiểu thuyết mà nhà văn dồn hết kỳ vọng, tâm tư. Ở đây, nhà văn không chỉ là Uông Triều nói riêng mà là văn nhân nói chung. Đã đến lúc nhà văn bàn vào văn chương đích thực.

Tác phẩm viết về sự cô độc - một chủ đề nằm trong nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện nay. Ở Cô độc, nhân vật từ chối giao tiếp với xã hội, im lặng, không cất tiếng nói. Ở đó, cô độc là một trạng thái của sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ thường trực đối diện với sự cô độc, cô đơn.

Qua tác phẩm, ta thấy con người hiện đại dường như không tìm được chốn dung thân, ngôi nhà, cơ quan, người tình không phải chốn nương náu. Nhân vật bị đánh bật khỏi các không gian tồn tại của mình, loay hoay trong đó, đánh mất căn cước, bản sắc cá nhân. Trong cuộc tìm kiếm bản sắc của Ba, ta thấy đau xót trước tình trạng con người hiện nay.

Không tìm được hứng khởi trong các mối quan hệ với mọi người, nhân vật Ba có cảm hứng đi về núi, về với tự nhiên, đối thoại với tự nhiên, để rồi thấy con người nhỏ bé, bất lực trước tự nhiên.

Cuối cùng, sự lựa chọn cái chết như một cảm thức mạnh mẽ trong tác phẩm. Cái chết chi phối rất nhiều quyết định quan trọng của một người đang sống, nó đặt ra nhiều suy ngẫm.

Bước dò đường đổi mới văn chương

Có lẽ bởi Cô độc viết về nghề biên tập văn chương, trình bày những quan điểm về tác phẩm, nhà văn nên nhận được nhiều phân tích, mỗ xẻ kỹ lưỡng.

Nhà phê bình La Khắc Hòa cho rằng Cô độc là tác phẩm không chiều độc giả. “Hiện nay đa số nhà văn viết chiều độc giả, người ta cần mua gì thì nhà văn bán nấy, viết nấy. Nhưng cũng có kiểu nhà văn hiếm hoi viết theo sự mách bảo của chính mình. Trường văn học này sẽ khiến văn học trở thành văn chương thực sự”, nhà phê bình nói.

Theo nhà phê bình La Khắc Hòa, ở Cô độc, tác giả chuyển hoàn toàn văn khẩu ngữ sang văn viết, xu hướng Tây hóa câu văn. Tác phẩm là một tuyên ngôn của thế hệ mới. Nhân vật trong đó đốt hết chân dung các giám đốc cũ, đốt bản thảo viết theo lối cũ. “Tuyên ngôn này ghê gớm”, nhà phê bình nói.

Co doc anh 3

Nhà văn Uông Triều tại tọa đàm. Ảnh: Thành Duy

Tuy những nỗ lực của nhà văn được đánh giá cao, song tác phẩm vẫn chưa thỏa mãn nhiều nhà phê bình khó tính. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng Cô độc thể hiện nhiều tìm tòi của người viết, nhưng tác phẩm chưa tới tầm cao. Nhà văn dùng nhiều từ “cô độc” quá. “Một diễn viên đóng người say trên sân khấu không thể cứ hét lên ‘tôi đang say đây’ được”, nhà phê bình ví von.

Nhà phê bình Hoài Nam cho rằng viết về sự cô đơn, hay kể cả thi pháp trong Cô độc không có gì mới. Nhưng cái mới ở đây là tác phẩm đưa ra một chiêm nghiệm về cái chết. Anh nói: “Văn học Việt Nam không nhắc nhiều tới cái chết, nhưng Uông Triều nhìn nhận. Anh nhìn nhận những tiếng nói từ phía bên kia: mộ địa, lòng đất, phía bên kia bức tường, âm vọng của những bản thảo… Những điều ấy cho thấy một thế giới ta phải nghĩ đến: cái chết”.

Đồng quan điểm với nhà phê bình La Khắc Hòa, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng Uông Triều là người viết thuộc thế hệ mới, cá tính, quyết liệt. Nhà văn không lặp lại cách viết của thế hệ cha anh.

Nhưng tác giả Người về bến sông Châu cho rằng tác giả Uông Triều viết vẫn chưa tới. “Cái chờ đợi của tôi trong tác phẩm này là sự bùng nổ lớn lao, nhưng nó chưa làm được”. Với Sương Nguyệt Minh, Cô độc là một bước dò đường, anh tin tưởng các nhà văn thế hệ Uông Triều sẽ có bước tiến xa hơn.

Niềm đau của chữ

Như con tằm rút ruột nhả tơ, như võ sĩ Samurai tự thúc kiếm vào bụng, "Cô độc" là “niềm đau của chữ”, là triết luận về nghề của nhà văn - nhà biên tập Uông Triều.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm