Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Sau hai năm, việc thực hiện Đề án đã đạt được những thành tựu, bên cạnh đó còn tồn tại hạn chế. Một hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án diễn ra tại Hà Nội hôm 16/12.
Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác văn hóa đọc trong hai năm qua. Ảnh: HNM |
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2019, hệ thống thư viện công cộng Việt Nam có tổng số 24.080 thư viện (tăng 14%); trong đó, số thư viện cấp xã là 3.290 thư viện (tăng 11%); số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.881 (tăng 11,4%) so với năm 2018.
Lượng sách, xuất bản phẩm trong hệ thống thư viện công cộng cũng được thống kê. Năm 2019, tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng đạt gần 44 triệu bản sách (tăng 3% so với năm 2018). Tính đến nay, bình quân số bản sách/người/năm trong hệ thống thư viện công cộng là 0,45.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà đã đánh giá kết quả hơn 2 năm triển khai Đề án với những thành tựu, hạn chế, xác định phương hướng và các giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai hiệu quả đề án trong thời gian tới. Theo bà Thúy Ngà, văn hóa đọc bước đầu có sự lan tỏa trong nhiều địa phương, những mô hình thư viện cộng đồng đã trở thành nơi học tập, điểm hẹn tri thức của nhân dân.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện nhận bản quyền tượng trưng tủ sách "Hạt giống cho tâm hồn" từ ông Nguyễn Văn Phước. |
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ VHTT&DL đã tiến hành trao giải thưởng tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019.
Tại chương trình, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News - Trí Việt cũng công bố dành tặng bản quyền toàn bộ tủ sách “Hạt giống tâm hồn” làm sách nói, sách nổi cho cộng đồng người khiếm thị và các trại giam Việt Nam.