Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Niềm đau của chữ

Như con tằm rút ruột nhả tơ, như võ sĩ Samurai tự thúc kiếm vào bụng, "Cô độc" là “niềm đau của chữ”, là triết luận về nghề của nhà văn - nhà biên tập Uông Triều.

Cho đến nay, Cô độc là cuốn tiểu thuyết “nặng” nhất của Uông Triều. Như con tằm rút ruột nhả tơ, như võ sĩ Samurai tự thúc kiếm vào bụng, Cô độc là “niềm đau của chữ” (câu thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh), là triết luận về nghề của nhà văn - nhà biên tập Uông Triều.

Nghề cô độc nhất thế giới


Cô độc là một khối rubic của biểu tượng và ẩn dụ. Nhân vật, không gian, sự kiện của tác phẩm đều ẩn dụ những thông điệp sâu sắc. Nhân vật chính B (tạm gọi thế) là con người nổi loạn. Anh ta làm nghề biên tập sách, “một trong những nghề cô độc nhất thế giới”.

Anh có nhiều rượu, nhiều mối tình, nhiều cuốn sách, nhiều nỗi chán chường và… có khoái cảm cô độc. Suốt đời anh đi tìm một tình yêu đẹp, một cuốn sách vĩ đại nhưng cả hai đều vô vọng.

Review "Co doc" anh 1
Tiểu thuyết Cô độc

Tình yêu chớm đẹp chỉ xảy ra một lần trong đời, tại ngôi nhà trọ ven rừng với lũ bướm khổng lồ chao liệng ngoài cửa sổ. Tình một đêm trở thành tình thiên thu, bởi anh không nguôi nhớ về cô gái - người có tập bản thảo kỳ lạ, cuộc gặp gỡ kỳ lạ, sự biến mất kỳ lạ. Cuộc kiếm tìm của anh, hồi ức của anh về mối tình ấy thực chất là một hành trình trong tâm tưởng đưa người đọc đến với những quan điểm và hành động chống lại người cha - đại diện cho truyền thống.

Ly hôn, không sinh con, chọn nghề mình yêu thích cho dù bố cấm đoán, anh trở thành đứa con bất hiếu. Chấp nhận bất hòa suốt đời với bố mình, anh vượt thoát ra khỏi những lề lối, khuôn mẫu cũ kỹ và bình yên của truyền thống. Phải khác đi, cho dù mất mát. Phải khác đi, cho dù cô độc. Ta là ta, ta không thể là chúng ta!

Trong công việc, B là một biên tập viên cô độc. Xuất sắc, mạnh mẽ và lạnh lùng, anh cương quyết bảo vệ những bản thảo hay và thẳng tay loại bỏ những bản thảo kém. Anh hiểu được giá trị lẫn bí ẩn của chữ nghĩa và sách vở.

Anh có “khoái cảm văn bản”: làm một cuốn sách hay cũng giống như được “làm tình với một người đàn bà đẹp”; có “khuynh hướng ủng hộ những thứ mơ hồ, tăm tối, túng quẫn và hỗn loạn”; có triết lý về sách: “Trong những đồ vật quanh ta thì sách và chữ nghĩa là thứ bí ẩn hơn cả”; có thái độ về xuất bản: thời nào cũng cần lợi nhuận, vì thế, nhiều cuốn sách nhạt nhẽo và vô vị ra đời, nhưng “vẫn có những cuốn sách không cần lợi nhuận, nó cần một danh tiếng để tồn tại”.

Với những bản thảo chưa đạt, biên tập viên B đều ném vào lò sưởi trong phòng làm việc, cất từng bình tro thủy tinh trong tủ. Lò sưởi trở thành lò hỏa thiêu, lò kiểm duyệt. Anh hỏa thiêu những sinh mệnh nhạt nhẽo, oặt ẽo và có cảm giác “khinh khoái và dễ chịu” vì đã “ngăn chặn được những thứ tởm lợm ra đời” - hành động đó “bất nhẫn nhưng đích đáng".

Review "Co doc" anh 2
Với biên tập viên B, chữ nghĩa, sách vở cũng có linh hồn. Ảnh minh họa

Chữ nghĩa, sách vở cũng có linh hồn. Đời sách cũng truân chuyên và phức tạp như đời người. B cảm nhận được sự quằn quại và uất ức của những bản thảo bị hỏa thiêu. “Chúng cháy đau đớn, biến dạng, thành vật chất khác nhưng anh không thấy xót thương chút nào hết”.

Sự cũ kỹ, sáo mòn và tẻ nhạt của chúng khiến anh nghĩ tới sự hủy diệt. “Tiếng khóc than của những bản thảo đã bị hỏa thiêu là sự cùng quẫn, u sầu của những cuộc đời thất bại” - thất bại của đời sách và của đời người.

Sự thất bại, vỡ mộng là thứ vô cùng khủng khiếp đối với những người mơ ước làm nhà văn. Dù phải khiến họ đau đớn nhưng B không thể quyết định trái với đạo đức nghề nghiệp. Vì thế, anh đã gạt bỏ rất nhiều, hỏa thiêu rất nhiều. Những linh hồn bản thảo bị hỏa thiêu đã ứ tắc, nén chặt, bao vây căn phòng anh.

Đọc Cô độc của Uông Triều, người yêu sách càng trân trọng hơn những cuốn sách hay được đọc. Bởi vì, hành trình để một cuốn sách hay ra đời là không hề đơn giản, bằng phẳng. Chúng là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc và không kém phần đớn đau của tác giả lẫn biên tập viên và nhà xuất bản. Chúng phải vượt qua, loại bỏ những linh hồn chữ kém cỏi khác để tồn tại, vì vậy, đừng để chúng trở thành bức tường sách đầy bụi bặm trong thư viện.

Linh hồn của chữ nghĩa

Cô độc của Uông Triều còn là một thông điệp mạnh mẽ và sắc lạnh đối với những người nuôi giấc mộng văn chương. Đừng nộp cho nhà xuất bản những bản thảo dặt dẹo như những bào thai bị đẻ non chưa rõ hình hài.

Hãy nghĩ đến linh hồn của chữ nghĩa, linh hồn của những bản thảo bị hủy hoại hoặc giam cầm, dù sao chúng cũng là đứa con đứt ruột đẻ ra của những người (cứ tưởng mình) là nhà văn. Văn chương là một cuộc chơi dễ tham gia nhưng khó thành công, nếu tài năng chưa chín, hãy đừng nóng vội. Chữ nghĩa không đòi nợ bạn, nhưng chúng cũng biết khóc than!

Một biên tập viên giỏi và cao ngạo chỉ có thể ngăn được những bản thảo tồi. Đối với một nhà xuất bản tồi thì sao? Chi phối nhà xuất bản trong Cô độc không phải là ban giám đốc, mà là thế lực ngầm - những bóng ma quá khứ - quyền lực của bóng tối. Đó là di ảnh và hình nhân xác ướp của những người tiền nhiệm trong suốt lịch sử một trăm năm của nhà xuất bản.

Họ xuất hiện khắp nơi dù đã chết. Ảnh của họ treo đầy các phòng, thân xác họ vẫn đứng trong tủ kính của nhà kho và trong cái hang bí mật bên dưới sân nhà xuất bản. Đối với mọi người trong nhà xuất bản, bóng ma quá khứ là “những người không thể chạm đến”. Từ giám đốc đến nhân viên đều nể sợ họ với cảm giác bị cầm tù trong sự bảo thủ, thống trị đầy nặng nề và ám ảnh của quá khứ.

Review "Co doc" anh 3
Nhà văn Uông Triều hiện là biên tập viên một tạp chí văn chương. 

Chẳng ai dám thay đổi gì trong suốt một trăm năm qua, vì sợ làm phật ý nhà sáng lập - người tiền nhiệm. Những bóng ma là nguyên nhân lớn khiến nhà xuất bản thua lỗ, lung lay. Sở dĩ nhà xuất bản chưa sụp đổ hẳn là bởi một số người coi nơi đó là địa ngục, nhưng một số lại cho rằng đó là thiên đường.

“Người chết không thể lãnh đạo người đang sống được". B đốt các bức ảnh trong nhà kho và trong phòng làm việc của mình, anh còn muốn đập vỡ tủ kính và giáng cho những hình nhân tiền nhiệm ấy một cú chí mạng mà không sợ bị trừng phạt. Anh chống lại bóng đêm, chống lại quá khứ, chống lại sự bảo thủ trì trệ đang nhấn chìm nhà xuất bản.

Cuối cùng, anh chống lại phái thủ cựu bằng cách không bỏ phiếu cho vị giám đốc đương nhiệm. Anh trở thành kẻ phản bội vĩ đại, “phản bội để giết bóng tối”. Nhưng B từ chối lời mời hợp tác của giám đốc mới. Dù là một biên tập viên xuất sắc, anh cũng không muốn mình trở thành cái bóng đè lên thế hệ sau. Anh đốt ảnh chân dung của mình treo trong phòng làm việc. “Anh đã sống trọn vẹn với đam mê, hiến dâng và nhiệt thành, phản bội cái cũ để cái mới được ra đời”.

Như vậy là đã đủ. B chui vào lò sưởi trong phòng làm việc - cái lò thiêu bản thảo của riêng anh, và cắt cả hai động mạch ở cổ tay mình. “Rồi anh thiếp đi rất nhanh…

Suốt đời B đi tìm một cuốn sách vĩ đại, cuốn sách ấy không có. Hoặc giả nếu có, nó cũng không đến được tay anh.

Suốt đời B chờ đợi một bản thảo lừng danh, bản thảo ấy chưa thấy.

Suốt đời B đi tìm một tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu ấy đã chết ngay giây phút đầu của cuộc kiếm tìm.

Rốt cuộc, B đi tìm ai? B đi tìm chính mình, tìm cái bản ngã cô độc mà ngạo nghễ của người sáng tạo. Trên đời này, không thể có hai cuốn sách giống nhau, cũng không thể có hai con người giống nhau. B đi tìm một cái tôi khác, cái tôi đúng nghĩa là một bản thể duy nhất, cho dù nó cô độc, lập dị, sai lầm, bị ghét bỏ. Nhưng nó là nó!

Truyện có kết cấu song hành giữa nhân vật phân thân Ba và B, không gian mê cung mang chất Gothic với hang sâu bí mật trong biệt thự cổ, cốt truyện đan xen giữa mộng và thực với nhiều chi tiết và hình ảnh đầy chất phi lý…

Tuy nhiên, điểm thật sự làm nên sự khác biệt, ấn tượng và sức ám ảnh của Cô độc về mặt nghệ thuật chính là ngôn ngữ đậm màu sắc cảm giác khi viết về sách, chữ nghĩa và nghề biên tập. Cô độc của Uông Triều đã gọi tên được niềm đau của chữ quanh ta và trong ta…





Nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy

Bạn có thể quan tâm