Khẳng định này được ông Nguyễn Phương Nam – Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ tổ chức chiều 6/5.
Ông Nam cho biết, đầu tháng 3/2016, Bộ Công thương đã ra quyết định thành lập đoàn thanh kiểm tra đối với 7 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động mà cơ quan này cho rằng cần thanh, kiểm tra. Việc kiểm tra để làm rõ một số điểm. Đây là đoàn thanh tra có tính liên ngành trong đó có đại diện Bộ Công an.
Theo quy định của pháp luật, trong vòng 45 ngày mới có báo cáo kết luận cuối cùng. Nếu vụ việc phức tạp có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa.
“Như vậy, phải giữa tháng 6 mới có báo cáo cuối cùng. Tôi ngạc nhiên khi báo chí đưa tin đoàn kiểm tra đã hoàn thành và có kết luận 'không vi phạm' tại một doanh nghiệp đa cấp nằm trong danh sách được thanh, kiểm tra”- ông Nguyễn Phương Nam ngạc nhiên nói.
Một lần nữa lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh: “Đây không phải ý kiến chính thức của Cục. Chúng tôi chưa đưa ra quyết định chính thức nào. Cục Quản lý cạnh tranh đang làm việc để tổng hợp và ra quyết định cuối cùng”.
Một trong những cơ sở kinh doanh đa cấp thuộc công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tại Đắk Lắk bị xử phạt hồi tháng 10/2015 vì có những vi phạm trong kinh doanh. Ảnh: Người Lao Động. |
Về thẩm quyền và trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh tranh đối với Bộ Công Thương, ông Nam chia sẻ, Cục đã trình lãnh đạo Bộ và được Bộ trưởng đồng ý ban hành chỉ thị 02 yêu cầu các Sở tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền để người dân không bị lôi kéo vào bán hàng đa cấp lừa đảo.
Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian tới, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, cơ quan này tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Cụ thể, tăng cường triển khai thanh kiểm tra; đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 02 và có văn bản yêu cầu các Sở Công thương thực hiện chặt chẽ yêu cầu chỉ thị này. Đồng thời, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên website cảnh báo tới người dân về biểu hiện hành vi bán hàng đa cấp bất chính, nhằm ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc; đăng tải thông tin doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép và tổ chức nhiều buổi tập huấn tuyên truyền về chuyên môn, kiến thức về kinh doanh bán hàng đa cấp... tại các địa phương.
Chốt lại, vị Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh chia sẻ, cơ quan này cũng đang đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 về kinh doanh bán hàng đa cấp.
Dự kiến cuối tháng 5, dự thảo sẽ được ra mắt, sửa đổi theo hướng siết chặt hơn nữa bán hàng đa cấp.
Nêu quan điểm bổ sung về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, đoàn công tác kiểm tra tại 7 doanh nghiệp chưa kết thúc. Bộ Công Thương đang quyết liệt, phối hợp với các cơ quan thẩm quyền tại địa phương đưa hoạt động đa cấp vào quy củ theo quy định pháp luật.
“Dù các văn bản pháp luật mới được ban hành nhưng nếu thực tế thấy bất cập thì cũng cần chủ động đề xuất sửa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu.
Quyết định thanh tra 7 công ty bán hàng đa cấp được đưa ra vào giữa tháng 3. Danh sách những công ty trong đợt thanh tra này được chỉ đích danh gồm có Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Nhượng quyền Thăng Long, Amway, Unicity, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam.