Giữa đại dịch Covid-19, tin thất thiệt là yếu tố kích động tích trữ
Để người dân tự ý thức và thay đổi hành vi, chính phủ cần đảm bảo thông tin được công khai, minh bạch và nhắm vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Người dân đổ xô đi mua hàng tá giấy vệ sinh và nước rửa tay. Nhiều siêu thị đã phải giới hạn số lượng hàng hóa bán cho mỗi người tiêu dùng. Tại các cửa hàng khác, bánh mì, đồ hộp và, dĩ nhiên, loại trà Yorkshire vô cùng được ưa chuộng của người Anh cũng hết nhẵn.
Người Anh thường kháo nhau câu nói “Hãy giữ bình tĩnh và tiếp tục chiến đấu”, bởi chúng tôi tự hào về lòng kiên định của mình khi đối mặt với nghịch cảnh. Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) dường như đang khiến nước Anh đổ xô đi mua sắm ồ ạt, và câu hỏi bức thiết hơn bao giờ hết hiện nay là: Có còn “bình tĩnh" được nữa không?
Trấn an, nhưng bằng cách nào?
Một điều chắc chắn: Khi người dân đổ xô đi mua sắm dự trữ do hoảng loạn (panic buying), họ khó mà bình tâm và dễ bỏ qua những kiến thức quan trọng, cần nhớ liên quan đến hiện tượng này.
Nghiên cứu đã chỉ ra nguồn cơn của hành vi mua sắm tích trữ trong hoảng loạn là tâm lý sợ hãi những điều bí ẩn và niềm tin rằng trước một sự kiện kịch tính thì phải phản ứng kịch tính tương đương. Cho dù trong trường hợp này, cách phản ứng tốt nhất lại là một hành động vô cùng đơn giản: rửa tay thường xuyên.
Câu hỏi đau đầu cho bất kỳ chính quyền nào đang oằn mình chiến đấu với Covid-19 là: Trấn an người dân bằng cách nào?
Thay vì đổ xô đi mua hàng hóa, tốt hơn hết người dân nên luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp: dự trữ nhu yếu phẩm cho bạn và gia đình, nhưng đừng chất đầy một hầm đồ ăn như thể tận thế đến nơi.
Bởi hành vi mua sắm ồ ạt diễn ra trên quy mô lớn có thể dẫn đến giá cả tăng vọt, cạn kiệt nguồn cung cho nhóm đối tượng thực sự cần. Ví dụ, toàn dân mua khẩu trang hàng loạt sẽ khiến y bác sĩ và bệnh nhân không có đủ khẩu trang dùng trong bệnh viện.
Tin đồn thất thiệt là một trong những yếu tố kích động dân chúng tích trữ. Hồi tháng 2, trên mạng xã hội Nhật Bản tràn lan tin đồn với nội dung nước này sẽ sớm cạn kiệt giấy vệ sinh và giấy ăn vì không còn nguồn cung từ Trung Quốc.
Để ngăn dân chúng mua sắm ồ ạt tích trữ, chính quyền và khối doanh nghiệp tư nhân phải cùng đưa ra tuyên bố, nhấn mạnh các mặt hàng nói trên cũng được sản xuất trong nước và có rất nhiều nguồn cung, không chỉ từ mỗi Trung Quốc.
Nếu có thể giải quyết được vấn đề này và trấn an công chúng để từng cá nhân tự ý thức thay đổi hành vi, chúng ta có thể xóa tan tâm lý hoảng loạn và hiện tượng mua sắm tích trữ mùa dịch.
Thế nhưng, câu hỏi đau đầu cho bất kỳ chính quyền nào đang oằn mình chiến đấu với Covid-19 là: Trấn an người dân bằng cách nào?
Không cho người dân biết đầy đủ thông tin là khởi nguồn của tin đồn và sự hoảng loạn.
Chắc chắn đó không phải là kiểu trấn an với một “thái độ kẻ cả, chiếu cố người dưới” như cách ông John Ashton, một cựu quan chức y tế công cộng, nhận định với New York Times về công tác truyền thông của chính phủ Anh.
“Chính phủ cần phải để cho người dân nhận thức được toàn cảnh vấn đề. Bạn phải đối xử với người dân một cách tôn trọng, thay vì không cho họ biết đầy đủ thông tin. Đó là khởi nguồn của tin đồn và sự hoảng loạn”, ông Ashton nói.
Một ví dụ khiến chính phủ Anh bị chỉ trích là do mới chỉ bắt đầu công bố khoanh vùng trên phạm vi rộng những nơi có người bệnh. Trong khi đó, tại Hong Kong, thông tin này được chi tiết hóa đến từng tòa nhà, căn hộ và nguồn lây nhiễm của người bệnh. Điều này giúp người dân xác định bản thân họ có bị ảnh hưởng hay không.
Chính phủ Anh cần nghiên cứu nhiều bài học từ các quốc gia khác trong việc trấn an dân chúng, dẹp bỏ tin giả và phòng chống Covid-19 lây lan. Trong bối cảnh đó, một câu hỏi quan trọng khác lại được đặt ra: Bài học từ nước nào là hữu ích?
Thay đổi từng hành vi cá nhân
Câu trả lời thật không dễ dàng chút nào. Cho tới nay, những gì chúng ta biết về phương thức lây lan của virus corona chủng mới quá mơ hồ. Chúng ta còn chưa thể giải thích được tại sao trẻ em lại có tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn hẳn người lớn. Điều này khiến cho việc ngăn chặn Covid-19 trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ đang cố gắng cân bằng những mục tiêu vốn chưa bao giờ tương thích: Họ không muốn nhịp sống thường ngày bị gián đoạn, không muốn nền kinh tế “hứng đòn”, đồng thời phải hạn chế tối đa thiệt hại về người và kéo dài thời gian để tránh cho Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) bị quá tải.
Cố vấn Y tế của chính phủ Vương quốc Anh nhấn mạnh phương pháp tiếp cận của Anh được xây dựng dựa trên thực tế hiện nay. Nước Anh đang cố tình trì hoãn lệnh phong tỏa cho tới khi số ca bệnh đạt đỉnh. Điều này xuất phát từ lo ngại các biện pháp hà khắc có thể khiến người dân chủ quan, không tự cách ly.
Ngoài ra, quan điểm của chính phủ là nếu kiềm chế được dịch bệnh lây lan cho tới mùa hè với nền nhiệt cao hơn, người bệnh sẽ dễ hồi phục hơn, giúp Cơ quan Y tế Quốc gia không bị quá tải.
Vòng đời của một bệnh dịch phụ thuộc vào cách mỗi người ứng phó với nó dưới tư cách cá nhân.
Nghiên cứu trường hợp của các quốc gia khác có lẽ sẽ giúp lý giải câu hỏi hóc búa này. Số ca bệnh ở Trung Quốc đang giảm mạnh sau khi đạt đến đỉnh điểm vài tuần trước.
Tuy ban đầu cảnh báo về đại dịch của một số bác sĩ bị phớt lờ, về sau các biện pháp quyết liệt như phong tỏa Vũ Hán và cô lập nguồn lây nhiễm dường như đã phát huy tác dụng. Trung Quốc cũng áp dụng hiệu quả việc truy tìm những người tiếp xúc với người bệnh và xét nghiệm người nghi nhiễm.
Chiến lược của Italy hiện nay – bao gồm đóng cửa tất cả trường học và đại học, áp lệnh phong tỏa và cấm tụ tập đông người - có thể có hiệu quả, nhưng không nghiêm ngặt và quyết liệt như mô hình được áp dụng tại Trung Quốc. Máy bay vẫn bay trên bầu trời Milan, trong khi các con tàu vẫn chuyển bánh.
Mỹ là quốc gia có phản ứng kỳ lạ nhất trước dịch Covid-19. Ban đầu, Tổng thống Donald Trump có vẻ phủ nhận và đánh giá thấp mối đe dọa từ dịch bệnh. Ông miêu tả virus corona chủng mới còn không nguy hiểm bằng bệnh cúm và việc giá dầu chao đảo vì Covid-19 là “tin tốt cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, đến ngày 12/3, tổng thống Mỹ có một cú “bẻ lái” ngoạn mục với quyết định cấm tất cả chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ, đồng thời chỉ cho phép người có hộ chiếu và thẻ xanh của Mỹ được nhập cảnh trong 26 ngày tiếp theo. Vì một số lý do, công dân Vương quốc Anh và Ireland vẫn được phép đến Mỹ. Có lẽ vì họ không thuộc khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu. Sự phân biệt này dường như hơi cảm tính.
Những tấm gương sáng nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 có lẽ là Hong Kong và Singapore. Đặc khu của Trung Quốc và quốc đảo nhỏ bé này đều có mật độ dân cư đông đúc nhưng đã thành công hạn chế được số ca bệnh không vượt quá 1.000. Từng trải qua dịch SARS năm 2007, người dân Hong Kong và Singapore có vẻ đã học được cách ứng phó nhanh chóng, như không đến nhà hàng hay các sự kiện công cộng và tuân thủ việc tự cách ly.
Trả lời Guardian, chuyên gia Roy Anderson, một trong những nhà dịch tễ học nổi tiếng nhất Vương quốc Anh, cho rằng vòng đời của một bệnh dịch phụ thuộc nhiều vào cách mỗi người ứng phó với nó dưới tư cách cá nhân.
Nếu chính quyền Thủ tướng Boris Johnson muốn công chúng Anh "giữ bình tĩnh và tiếp tục chiến đấu", công khai thêm một chút thông tin có thể sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.
Ví dụ, hầu hết cụm lây nhiễm là các thành viên trong gia đình, vì vậy điều quan trọng là phải nhanh chóng tự cách ly khỏi người thân khi nghi nhiễm Covid-19. Ngoài ra, cần nhận biết được các triệu chứng phổ biến nhất – bao gồm sốt, ho khan - và tuân thủ các quy định vệ sinh cơ bản: rửa tay, đeo khẩu trang, và không bắt tay người khác.
Để người dân tự ý thức và thay đổi hành vi, chính phủ cần đảm bảo thông tin được công khai, minh bạch và nhắm vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, như những người trên 50 tuổi. Một khi làm được điều đó, điều quan trọng hơn nữa là phải sử dụng đúng thông điệp và tối đa hóa mức độ chi tiết của thông tin cung cấp.
Nếu chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson muốn công chúng Anh “giữ bình tĩnh và tiếp tục chiến đấu”, công khai thêm một chút thông tin có thể sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.