Khi mà những nhà đàm phán Mỹ hoàn tất cuộc đối thoại cấp cao với phái đoàn Trung Quốc tại Washington D.C. tuần trước, tham vọng của Tổng thống Trump về thỏa thuận thương mại tỷ USD chỉ còn là một tuyên bố sáo rỗng và không có con số cụ thể nào đạt được.
Theo New York Times, dẫn lời một vài nguồn tin thân cận, những cuộc "đấu đá" nội bộ để tranh giành ảnh hưởng bên trong đội ngũ đàm phán thương mại của tổng thống đã tước mất chiến thắng khỏi tay người Mỹ.
Ví dụ rõ nhất là ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói Mỹ sẽ ngưng áp đặt hàng rào thương mại lên Trung Quốc và "tạm hoãn" cuộc chiến thương mại thì vài giờ sau đó, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại nói Washington vẫn chuẩn bị áp đặt các hàng rào này.
(Từ trái qua) Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Tổng thống Trump và Đại diện thương mại Robert Lighthizer khi công bố mức thuế áp cho nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: AP. |
Lời hứa mơ hồ 200 tỷ USD
Ngày 18/5, cố vấn kinh tế của tổng thống Larry Kudlow nói với phóng viên rằng Trung Quốc đề nghị giảm thặng dư thương mại của họ với Mỹ xuống 200 tỷ USD. Hai ngày sau đó, ông nói rằng con số trên chỉ là "ước tính", rằng 2 nước chưa từng trông chờ có thể đạt được thỏa thuận và chỉ định ra một tuyên bố chung, liệt kê các bước tiếp theo.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ việc họ đã đề nghị con số 200 tỷ USD. Tờ Nhân dân Nhật báo gọi bản tin đó là "hiểu lầm". Nhưng ông Kudlow vẫn nói rằng "Tổng thống Trump thích con số đó. Nhưng vẫn còn quá sớm để xem xét".
Sau khi hoàn tất vòng đàm phán tuần trước, hai phía Mỹ - Trung tiếp tục thảo luận đến đêm về việc sử dụng câu chữ cho tuyên bố chung và cuộc thảo luận đã kéo dài đến hôm sau. New York Times nhận định kết quả cuối cùng là một văn bản từ ngữ mơ hồ, thiếu đi những cam kết định lượng hay bất cứ chi tiết chắc chắn nào.
New York Times gọi chính quyền Mỹ sau chuyến đi của phái đoàn Trung Quốc là một cái kết hỗn loạn, phô bày cảnh nhóm cộng sự đầy mâu thuẫn về chiến lược lẫn chính sách, phục vụ cho một tổng thống vừa khao khát chiến thắng trước Trung Quốc vừa bị chi phối bởi mục tiêu phải có một cuộc gặp suôn sẻ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người được cho nằm trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, vào tháng tới.
Chuyến đi Mỹ của phái đoàn thương mại Trung Quốc được xem là một thành công khi khiến phía Mỹ "tạm hoãn" chiến tranh thương mại, trong khi Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời hứa gì cụ thể. Ảnh: |
Giờ thì tương lai các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ đặt lên Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, người sẽ đến Trung Quốc trong vài ngày tới để củng cố những cam kết, vốn rất khó thành hiện thực, trong cuộc đàm phán trước.
Ông Ross, 80 tuổi, có một thành tích gây tranh cãi trong việc đàm phán. Mùa hè năm 2017, ông muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc nhằm giảm khả năng sản xuất thép của nước này. Khi tổng thống nghe về kế hoạch, ông nổi giận và đòi Ross phải cho ra một gói trừng phạt.
Hôm 21/5, tổng thống tạo dựng một bộ mặt tốt nhất có thể cho cuộc trò chuyện vừa qua, nhấn mạnh vào lời hứa của Trung Quốc sẽ mua nhiều nông sản Mỹ hơn. "Dưới thỏa thuận có thể đạt được, họ sẽ mua từ những người Nông dân Mỹ Vĩ đại của chúng ta những gì Nông dân của chúng ta có thể sản xuất", tổng thống viết trên Twitter.
Đó là một bước chuyển dài so với giọng điệu không thỏa hiệp trước khi những người Trung Quốc đến, lúc mà tổng thống còn nói về một thỏa thuận sẽ thay đổi toàn diện mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
"Mỹ không có gì nhiều để đưa ra, vì họ đã cho đi quá nhiều những năm trước rồi. Trung Quốc phải nhượng bộ", ông viết trên Twitter tuần trước.
Tổng thống vừa khao khát chiến thắng trước Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, vừa bị chi phối bởi mục tiêu phải có một cuộc gặp suôn sẻ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người được cho nằm trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, vào tháng tới. Ảnh: Reuters. |
Trong nhiều lần xuất hiện trên truyền hình sau đó, ông Mnuchin, Kudlow và Ross đều bày tỏ sự lạc quan đối với thỏa thuận, điều mà một số nhà phân tích cho rằng là để che đậy sự bất đồng trước người Trung Quốc, chờ đến sau cuộc gặp của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên vào tháng sau.
Không phải ai cũng vậy. Hôm 20/5, Đại diện thương mại Lighthizer ra tuyên bố đòi hỏi "những công việc đích thực cần làm để đạt được thay đổi trong hệ thống của Trung Quốc, một hệ thống dung dưỡng cho việc ép buộc chuyển giao công nghệ đổi lấy kinh doanh tại đây, dung dưỡng cho những kẻ cắp tài sản trí tuệ và kinh nghiệm của các công ty chúng ta". Tuyên bố này được xem là lời chỉ trích cho cách tiếp cận của ông Mnuchin về việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Trung Quốc vừa lợi dụng, vừa lo ngại
New York Times dẫn lời những người thân cận với cuộc đàm phán nói rằng Bắc Kinh không lạ lẫm gì với sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền và đã tìm cách khai thác nó.
Họ nhận ra rằng các cố vấn của Trump bị chia rẽ, một bên là những người cứng rắn như Đại diện thương mại Lighthizer và Giám đốc hội đồng thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, một bên là những người ủng hộ thương mại tự do và có xu hướng thỏa hiệp hơn, ông Kudlow, Ross và Mnuchin.
Đại diện thương mại Lighthizer (trái) và giám đốc hội đồng thương mại Nhà Trắng Navarro, những người cứng rắn và đòi hỏi Trung Quốc phải thay đổi cách quản trị cơ bản của họ đối với nền kinh tế. Ảnh: Reuters. |
Họ bất đồng với nhau việc Mỹ có nên tìm kiếm một thỏa thuận ngắn hạn với Trung Quốc, từ đó làm lợi cho một vài ngành nghề và chặn đứng nguy cơ chiến tranh thương mại hay không; hay họ nên buộc Trung Quốc phải thay đổi một cách căn bản nền kinh tế của nước này. Mnuchin ủng hộ phương án ngắn hạn trong ông Lighthizer và Navarro muốn tiếp cận triệt để hơn.
Chính Bộ trưởng Mnuchin là người đã lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc từ chối gọi Trung Quốc là một nước "thao túng tiền tệ", chống lại lời hứa tranh cử của tổng thống. Ông cùng Gary D. Cohn, cựu cố vấn kinh tế trưởng, âm thầm chống lại các biện pháp hạn chế thương mại như rút khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), các biện pháp có thể khiến nền kinh tế Mỹ bị trả đũa.
Trong nhiều tháng dài, người Trung Quốc đã "đầu tư" vào ông Mnuchin, cố gắng biến ông thành người đàm phán chính bên phía Mỹ. Bản thân bộ trưởng Tài chính của thích thú với vai trò đó.
Trong chuyến đi của phái đoàn thương mại Mỹ đến Bắc Kinh đầu tháng 5, ông Mnuchi đồng ý gặp gỡ riêng với quan chức thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc, Phó thủ tướng Lưu Hạc (ông Lưu cũng là người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc vừa sang Mỹ). Cuộc gặp không có sự tham gia của ông Navarro hay những người khác trong phái đoàn.
Sau đó, ông Navarro và Mnuchin bước ra ngoài và cãi nhau một trận kịch liệt bằng những lời tục tĩu, dấu hiệu rõ nhất với người Trung Quốc về sự bất đồng giữa họ.
Ông Mnuchin cố gắng làm giảm nhẹ bất đồng, ông nói trên CNBC rằng Navarro là "một phần quan trọng trong đội ngũ chúng tôi".
Bộ trưởng Mnuchin đại diện cho nhóm những người theo đuổi phương án thỏa hiệp với Trung Quốc và tiếp cận mềm mỏng trong chính quyền Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Bộ trưởng Tài chính cũng là người cởi mở với yêu cầu của Trung Quốc về việc nới lỏng các rào cản xuất khẩu, cho phép họ mua các thiết bị quân sự nhạy cảm. Ý tưởng này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chính quyền, đặc biệt là các quan chức Lầu Năm Góc, những người lo sợ các thương vụ dạng này sẽ ảnh hưởng an ninh quốc gia Mỹ.
Tuần trước, ông Mnuchin nói trong phiên điều trần ở Thượng viện rằng Mỹ sẽ bác bỏ mọi thỏa thuận thương mại có điều khoản làm suy yếu việc hạn chế xuất khẩu các công nghệ quân sự nhạy cảm.
Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng và là nhân vật tiêu biểu của trường phái dân tộc chủ nghĩa, nói rằng "thật thần kỳ là chúng ta đã bị cướp mất chiến thắng ngay cổng thiên đường".
"Trung Quốc vẫn đang trong chiến tranh thương mại với chúng ta. Chỉ có chúng ta đơn phương ngừng bắn", ông nói.
Nhưng ở một mặt khác, sự chia rẽ trong đội ngũ của Tổng thống Trump khiến cả những người Trung Quốc bối rối. Một số nguồn tin nói rằng phía Trung Quốc lo ngại những lời hứa họ đạt được từ phía ông Mnuchin có thể sẽ không thể thành hiện thực khi một người khác ngồi vào bàn đàm phán.
Vào tháng tới, đó là Bộ trưởng Thương mại Ross.