Các nhà đàm phán Trung Quốc rời Washington hồi cuối tuần qua sau khi đạt được chiến thắng quan trọng: gây sức ép khiến chính quyền của Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế trừng phạt trị giá 150 tỷ USD lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngược lại, Bắc Kinh không phải nhượng bộ nhiều khi không bị hạn chế với nền công nghiệp sử dụng công nghệ cao hay phải cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Tổng thống Trump cho rằng đàm phán với Trung Quốc là một thành công của Mỹ, tuy nhiên trên thực tế điều này không chính xác. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn chưa kết thúc. Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc vẫn trong thế yếu nếu Mỹ tiếp tục siết chặt cấm vận. Dù vậy, những cuộc đàm phán gần đây cho thấy hình ảnh một Trung Quốc đủ tự tin để gây chia rẽ các nhà đàm phán từ Mỹ, những người thường xuyên đưa ra các quan điểm trái ngược.
Tổng thống Trump, người đã mạnh dạn tuyên bố hồi đầu năm rằng "chiến tranh thương mại là điều tốt và Mỹ sẽ dễ dàng giành chiến thắng", và cố vấn của ông có thể thấy việc buộc Trung Quốc nhượng bộ khó khăn hơn họ tưởng.
Trung Quốc kiên định - Mỹ thiếu nhất quán
Ngày 21/5, Tổng thống Trump tuyên bố đàm phán với Trung Quốc là một thắng lợi. Ông viết trên Twitter khẳng định kết quả trên sẽ dẫn đến việc Trung Quốc mua nhiều nông sản hơn từ Mỹ. "Một trong những điều tuyệt vời nhất đối với nông dân Mỹ trong nhiều năm nay" - ông viết.
Tuy nhiên, theo New York Times, điều này không dễ dàng có được khi các nhà đàm phán của Mỹ phải làm việc với một Trung Quốc sẵn sàng thể hiện sức mạnh. Trong thời gian diễn ra cuộc nói chuyện hồi tuần trước, Bắc Kinh đã tỏ ra khiêu khích khi đưa máy bay ném bom đến vùng Biển Đông, một động thái bị Mỹ phản đối kịch liệt.
Sự thành công của Trung Quốc một phần đến từ việc nước này kiên định thực hiện chiến lược thống nhất. Dù Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán và đưa ra các hợp đồng nhập khẩu đáng giá hàng tỷ USD để xoa dịu Mỹ, chính quyền nước này vẫn giữ vững lập trường trong việc từ chối đưa ra cam kết cắt giảm khoảng cách thương mại với Mỹ.
Trung Quốc cũng không từ bỏ kế hoạch "Made in China 2025", chương trình hiện đại hóa công nghiệp mà Washington và các tập đoàn kinh doanh ở Mỹ cho rằng đã buộc các công ty nước ngoài phải chia sẻ công nghệ tối tân cho các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.
Nhiều tập đoàn nước ngài buộc phải chia sẻ công nghệ hiện đại với các đối thủ tại Trung Quốc để được cấp quyền tham gia vào thị trường này. Ảnh: Tech2025. |
Ngược lại với Bắc Kinh, phía Mỹ thường xuyên thay đổi yêu cầu và đưa ra các thông điệp không nhất quán. Điển hình nhất là việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vừa thông báo hoãn áp đặt thuế trừng phạt đối với Trung Quốc thì ngay sau đó, Đại diện thương mại Robert E. Lighthizer lại khẳng định "Mỹ sẽ dùng mọi công cụ như thuế, hạn chế đầu tư và các điều luật xuất khẩu để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ".
Trên bàn đàm phán, Mỹ sở hữu nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về luật thương mại, tuy nhiên Trung Quốc lại có đội ngũ được tổ chức chặt chẽ dưới quyền kiểm soát của Phó thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn và người bạn lâu năm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đội ngũ này được ủy quyền đưa ra các quyết định về chính sách kinh tế, một lợi thế lớn trong việc đánh giá các tác động từ bất cứ sự nhượng bộ nào của Mỹ.
"Việc thay đổi chính sách có thể mất cả tháng để thông qua, nay chỉ mất có một ngày", New York Times dẫn lời một nguồn tin giấu tên có hiểu biết chi tiết về vấn đề trên.
Trump không khác gì "trò đùa"
Từ tháng 3, Tổng thống Trump và các cố vấn thương mại đã đe dọa áp dụng thuế trừng phạt đối với Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh đồng ý hạn chế trợ cấp cho ngành công nghệ cao.
Tuy nhiên, trong những cuộc đàm phán với Trung Quốc, Mỹ lại liên tục nhượng bộ. Trên bàn đàm phán, đội ngũ cố vấn thương mại của ông Trump dẫn dắt bởi Bộ trưởng Mnuchin tìm cách giảm gói thâm hụt thương mại trị giá 375 tỷ USD xuống còn 200 tỷ USD, nhưng các nhà đàm phán Trung Quốc không đồng ý. Kết quả là cuối tuần qua, hai bên đưa ra tuyên bố chung theo đó không buộc Trung Quốc phải nhượng bộ bất kỳ vấn đề gì.
Tuy Mỹ công bố danh sách những mặt hàng Trung Quốc có thể mua nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, Bắc Kinh chỉ cam kết mua nhiên liệu hóa thạch và thực phẩm chất lượng cao.
Ở những khía cạnh nhỏ hơn, Washington cũng thể hiện quan điểm không nhất quán. Phó thủ tướng Lưu Hạc đã gặp gỡ Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence tuần qua, trong khi vào tháng 2, ông không được diện kiến đương kim tổng thống Mỹ vì lý do có chức vụ thấp hơn.
Ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố hoãn áp thuế trừng phạt đối với Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Mặt khác, vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng ảnh hưởng đến quyết tâm của Mỹ trong việc siết chặt cấm vận đối với Trung Quốc. Cách đây 2 tuần, ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Không rõ hai bên đã thảo luận những gì, tuy nhiên ông Trump dường như lo ngại Trung Quốc có thể đã kích động Triều Tiên hủy cuộc thượng đỉnh vào ngày 12/6.
Trong khi nhiều chuyên gia còn tranh cãi về sức ảnh hưởng của ông Tập đối với ông Kim, việc Tổng thống Trump tỏ ra bất an là dấu hiệu cho thấy vấn đề Triều Tiên đã ít nhiều trói buộc quan chức Mỹ trong việc "mặc cả" với các nhà đồng cấp đến từ Trung Quốc.
Điểm yếu và thế mạnh của Trung Quốc
Sau những cuộc đàm phán, truyền thông Bắc Kinh khẳng định thách thức lớn đến từ Mỹ đã được hóa giải, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.
"Đối diện với những yêu cầu vô lý từ phía Mỹ, chính quyền Trung Quốc luôn kiên quyết chống trả, không bao giờ thỏa hiệp và không chấp nhận những hạn chế được đặt ra bởi các thế lực bên ngoài", tờ Tân Hoa Xã bình luận.
"Thỏa thuận này (việc Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp đặt thuế trừng phạt) đã được Trung Quốc dự đoán. Theo đó, hợp tác song phương về thương mại và kinh tế sẽ được duy trì", ông Song Guoyou, phó giám Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, cho biết.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc khẳng định sẵn sàng tiếp tục đàm phán cho thấy nước này chưa thực sự đạt được thỏa thuận như ý. "Hai bên nhận ra rằng chỉ có thảo luận mới có thể giải quyết tranh chấp thương mại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
Truyền thông Trung Quốc cũng khá im lặng trước viễn cảnh chính phủ Mỹ bác bỏ cam kết của Tổng thống Trump trong việc giúp đỡ ZTE, tập đoàn Trung Quốc bị Washington cấm vận do vi phạm lệnh trừng phạt với Iran, Triều Tiên và nhiều quốc gia khác.
Tuần trước, Trump gây bất ngờ khi cam kết giúp tập đoàn ZTE thoát khỏi cấm vận. Ảnh: PA. |
Việc Mỹ cấm các công ty bán vi mạch điện tử và nhiều thiết bị khác cho ZTE đã khiến hoạt động sản xuất của tập đoàn này bị đình trệ. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump cũng mở điều tra nhằm vào Huawei lấy lý do tập đoàn này coi thường quyền kiểm soát thương mại của Mỹ.
Theo một cách nào đó, Bắc Kinh có thể thấy việc đồng ý với các yêu cầu của Mỹ là không khả thi. Trong bối cảnh Mỹ chỉ xuất khẩu 130 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc mỗi năm, việc tìm kiếm thêm nhiều mặt hàng để nhập khẩu nhằm cắt giảm thặng dư thương mại xuống còn 200 tỷ USD sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trừ khi Trung Quốc đồng ý giảm lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ.
"Việc này là không thực tế, và nếu chính quyền Trung Quốc đồng ý, họ sẽ đối mặt với nhiều áp lực từ công chúng", chuyên gia Tu Xinquan thuộc Đại học Kinh tế và Giao thương Quốc tế tại Bắc Kinh cho biết.