Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Giữa bão giá, sàn TMĐT dùng combo, hàng hóa giá rẻ giữ chân khách hàng

Các sàn TMĐT đang xoay xở để giữ chân người dùng khi cuộc sống trở lại bình thường và bối cảnh kinh tế thay đổi. Trong đó, việc đầu tư vào công nghệ đóng vai trò then chốt.

Chị Huyền Phương (24 tuổi, nhân viên văn phòng) lần đầu đặt một đơn hàng trực tuyến trong khoảng thời gian giãn cách xã hội để chống dịch. Khi cuộc sống trở lại bình thường, chị không còn phụ thuộc nhiều vào mua hàng online, nhưng vẫn thường xuyên sử dụng để tiện so sánh chất lượng, giá cả của các mặt hàng.

"Khi chi phí sinh hoạt tăng lên, tôi phải cân nhắc từng đồng. Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), tôi thường tìm kiếm những gian hàng giá rẻ, nhiều khuyến mãi", chị Phương chia sẻ.

Ngành thương mại điện tử Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc giai đoạn năm 2019-2021 do lượng người mua hàng tăng kỷ lục trong thời kỳ đại dịch.

Nhưng đến nay, các sàn thương mại phải tìm cách giữ chân khách hàng khi cuộc sống đã trở lại bình thường, trong khi rủi ro lạm phát tăng cao đè nặng lên sức mua của người tiêu dùng.

ceo lazada,  thuong mai dien tu anh 1

Lượng người mua hàng trực tuyến tăng kỷ lục trong giai đoạn năm 2019-2021. Ảnh: Lazada.

Hàng giá rẻ, combo ưu đãi lên ngôi

Chia sẻ với Zing, ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada - cho rằng người tiêu dùng luôn có nhu cầu mua sắm. Tuy nhiên, nhu cầu đó sẽ thay đổi khi bối cảnh kinh tế thay đổi, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dùng.

"Trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng những sản phẩm có giá thành mềm hơn, đóng gói trong bao bì nhỏ hơn cho tiết kiệm, hoặc mua các sản phẩm dưới dạng combo (theo gói) để hưởng ưu đãi giảm giá", ông nhận định.

Ông Dong tiết lộ để mang tới những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, Lazada phải làm việc chặt chẽ với các thương hiệu, nhà bán hàng và đối tác giao nhận. "Quan trọng là chúng ta cần mang lại cho người tiêu dùng đúng thứ họ cần", vị tổng giám đốc nhấn mạnh.

Theo ông, nếu làm được điều kể trên, nền kinh tế chững lại cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng khách hàng và mức độ thâm nhập thị trường của TMĐT.

ceo lazada,  thuong mai dien tu anh 2

Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada - phát biểu tại Diễn Đàn Tương Lai Thương Hiệu LazMall 2022. Ảnh: Lazada.

Theo báo cáo định hướng về Dịch Vụ Tài Trợ Lazada (LSS) do Lazada công bố, 57% người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử. Báo cáo nhận định điều này cho thấy sự chuyển biến lớn trong trải nghiệm của khách hàng.

Theo báo cáo, thị trường thương mại điện tử khu vực dự kiến đạt 413 triệu người dùng vào năm 2025.

Trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng những sản phẩm có giá thành mềm hơn, đóng gói trong bao bì nhỏ hơn để tiết kiệm, hoặc mua các sản phẩm dưới dạng combo (theo gói) để hưởng ưu đãi giảm giá

Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada

Báo cáo cũng chỉ ra 94% người dùng sử dụng tính năng tìm kiếm để khám phá các sản phẩm trên Lazada, 94% thực sự mua những sản phẩm mà họ tìm được, 71% mua từ tính năng đề xuất của sàn.

"Các sàn thương mại điện tử đã vượt qua những nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng", ông James Dong nhận định.

Để thúc đẩy chi tiêu, sàn TMĐT Shopee cũng triển khai các chương trình khuyến mại định kỳ, hưởng ứng những ngày hội, dịp lễ thường niên như Quốc khánh 2/9, sinh nhật 12/12; tung các combo khuyến mãi, flash sale hoặc sale giữa tháng.

Năm ngoái, trong 3 ngày hội 9/9, 11/11 và 12/12, Shopee ghi nhận hơn 1.000 nhà bán hàng địa phương trên phạm vi khu vực có doanh số vượt 100.000 USD.

Riêng vào ngày 11/11, doanh số của những nhà bán hàng mới trên Shopee đã tăng gấp 18 lần so với mức trung bình của ngày thường.

Sàn TMĐT Tiki cũng ghi nhận sức hút của các chiến dịch “Ngày số đôi”, những chương trình khuyến mãi và các dịch vụ mới như TikiNGON giao nhanh 1H, Club Yêu bếp, Nghiện nhà…

Trong chiến dịch sale 11/11, Tiki ghi nhận doanh số bán hàng tăng gấp 9 lần, tổng số đơn hàng tăng gấp 3 lần, doanh thu trong 2 khung giờ sale đầu tiên tăng 30 lần.

Cuộc đua công nghệ

Theo ông Howard Wang - Giám đốc Công nghệ của Lazada - để hỗ trợ các thương hiệu, cửa hàng nhắm đúng đối tượng mục tiêu, công ty đã sử dụng dữ liệu thông minh và công nghệ thực tế tăng cường.

Lợi thế về công nghệ cũng giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi, nâng cao kết quả kinh doanh và cải thiện trải nghiệm người dùng.

Trả lời Zing, ông Howard Wang đồng ý rằng các bên liên quan từ người bán, người mua đến nhân viên của Lazada đã tạo ra một hệ sinh thái. Trong đó, đối tượng ưu tiên hàng đầu của công ty là người tiêu dùng cuối.

"Để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, chúng tôi dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm phù hợp. Đối với người bán hàng, chúng tôi cũng có những công nghệ hỗ trợ họ tham gia nền tảng dễ dàng và nhanh chóng, nhưng vẫn tích cực chống hàng giả", ông Howard giải thích.

AI cũng giúp tạo ra lộ trình giao hàng nhanh nhất, tối ưu cả thời gian lẫn chi phí; chống spam, rà soát về sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng lên sàn...

"Chúng tôi phải tìm cách để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của các bên trong hệ sinh thái", ông khẳng định.

Đại diện Tiki cũng đánh giá logistics là xương sống của ngành TMĐT. Sàn này cho biết luôn dành ra ngân sách đầu tư rất lớn cho logistics mỗi năm và sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trong năm nay.

Tháng 7/2021, Tiki bắt đầu ứng dụng robot vào quy trình kho vận, đẩy năng suất lấy hàng lên gấp 2 lần. Sàn cũng dự kiến mở rộng chuỗi kho mini tích hợp kho lạnh để đẩy mạnh giao hàng siêu tốc.

ceo lazada,  thuong mai dien tu anh 3

Ông Howard Wang - Giám đốc Công nghệ của Lazada. Ảnh: Lazada.

Tuy nhiên, không dễ để các sàn thương mại điện tử tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong bối cảnh rủi ro lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử chững lại.

Mới đây, ban lãnh đạo cấp cao của Sea - công ty mẹ của Shopee - tuyên bố không nhận lương và thắt chặt các chính sách chi tiêu của tập đoàn. "Ban lãnh đạo đã quyết định rằng chúng tôi sẽ không nhận bất cứ khoản lương, thưởng nào cho đến khi công ty tự lực về tài chính", CEO Sea Forrest Li khẳng định trong một bức thư gửi cho nhân viên hôm 15/9.

"Cách duy nhất để chúng tôi ngừng phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là tự lực về tài chính, kiếm đủ tiền mặt cho mọi nhu cầu và dự án của chính mình", ông Li khẳng định.

Còn theo ông James Dong tại Lazada, công ty thương mại điện tử Đông Nam Á trông đợi vào sự đầu tư chiến lược và đúng hướng cho công nghệ. Ông khẳng định trong bối cảnh đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử sụt giảm, lợi thế của Lazada nằm ở sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Alibaba.

"Yếu tố quan trọng là Lazada được hậu thuẫn bởi Alibaba - công ty với hơn 20 năm kinh nghiệm trong xây dựng nền tảng, hệ thống thương mại điện tử kết nối B2B, B2C", ông nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn Đàn Tương Lai Thương Hiệu LazMall 2022, ông Dong khẳng định Lazada là một nền tảng thương mại điện tử có thể phát triển lâu dài và bền vững, chứ không phải cuộc đua ngắn hạn.

Mới đây, Alibaba đã đầu tư thêm 912,5 triệu USD vào Lazada, 4 tháng sau khi bơm 378,25 triệu USD cho nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á. Tổng cộng, số tiền đầu tư đã lên tới 1,3 tỷ USD trong năm nay.

Đại diện IMF: Việt Nam cần tính đến rủi ro khi kinh tế tăng trưởng cao

IMF đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng đà phục hồi kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế bấp bênh toàn cầu.

Thống đốc: Lạm phát cao như thuế đánh vào người lao động

Những đề xuất được đưa ra để phát triển thị trường lao động bao gồm bảo đảm thu nhập thực tế, an sinh xã hội và các điều kiện để người lao động yên tâm làm việc.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm