Ngày 25/5, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết Viện Sinh thái và các cơ quan chuyên môn đã khảo sát để chọn vị trí, thời gian thả cặp rắn hổ mang chúa về lại môi trường tự nhiên.
“Cơ quan chuyên môn xác định được vị trí, thời gian cụ thể để thả nhưng để đảm bảo an toàn cho cặp rắn, thông tin này không được công bố”, ông Thư nói.
Cặp rắn hổ mang chúa doanh nghiệp thông tin bắt được ở núi Cấm. Ảnh: Anh Minh. |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc giữ bí mật thông tin về địa điểm, thời gian thả rắn để hai cá thể quý không bị con người tìm bắt.
Trong thời gian chờ thả, cặp rắn đang được chăm sóc, nuôi nhốt tại khu du lịch ở huyện Tri Tôn. Bác sĩ của Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đã kiểm tra và đánh giá cặp rắn đảm bảo điều kiện sức khỏe, tự sinh sống trong môi trường hoang dã.
Về nguồn gốc của cặp rắn, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết Viện Sinh thái và các cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, khẳng định giống loài và khu vực phân bố trong môi trường tự nhiên.
"Chi cục kiểm lâm đã kiểm tra khu vực, dấu vết bắt cặp rắn. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã sẽ hỗ trợ khâu vận chuyển, Viện Sinh thái nghiên cứu vùng thả cặp rắn về môi trường tự nhiên vào cuối tuần sau”, ông Trần Anh Thư nói.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm An Giang, mỗi con rắn chỉ nặng khoảng 18 kg và có chiều dài khoảng 4 m, chứ không phải nặng 30 kg và dài 6-7 m như thông tin ban đầu.
Năm ngày trước, Bộ NN&PTNT gửi công văn đến UBND tỉnh An Giang đề nghị, khẩn trương xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của các cá thể rắn hổ mang chúa mà một doanh nghiệp bắt được ở núi Cấm.
Cá thể rắn này được xác định là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus Hannah), sinh vật thuộc nhóm I danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Bộ NN&PTNT yêu cầu trên cơ sở xác định được nơi cư trú, sinh cảnh của các cá thể rắn này, cần tổ chức thả lại môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người và động vật...