Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cân nhắc thả cặp rắn hổ mang chúa về lại núi Cấm

Theo ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh sẽ kiến nghị và mong muốn thả cặp rắn về nơi nào đó đủ điều kiện sinh thái trong khu vực núi Cấm.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh đã liên hệ với Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã cử chuyên gia nghiên cứu, đánh giá và tìm kiếm môi trường sinh thái phù hợp để thả cặp rắn đang được doanh nghiệp chăm sóc, nuôi nhốt tại khu du lịch ở huyện Tri Tôn.

"Chúng ta đã ký công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Cặp rắn thuộc nhóm quý hiếm 1B nên chỉ có một cách xử lý duy nhất là thả về tự nhiên, nơi đủ các điều kiện cho loài này sinh sống", Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.

Ran ho mang anh 1
Rắn hổ mang chúa thuộc nhóm quý hiếm, cần bảo tồn nên sẽ thả về tự nhiên. Ảnh: Anh Minh. 

Nơi thả cặp rắn phải phù hợp tiêu chuẩn sinh thái. Khu vực này phải được bảo tồn, bảo vệ. Khi thả, cặp rắn phải đủ sức khoẻ, tự sinh sống và tự kiếm ăn được trong môi trường hoang dã.

Tỉnh An Giang có trách nhiệm bàn giao cặp rắn này cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã. Nơi đây sẽ quyết định thả khi nào và ở đâu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh sẽ kiến nghị và mong muốn thả cặp rắn về nơi nào đó đủ điều kiện sinh thái trong khu vực núi Cấm.

"Cặp rắn hổ mang chúa họ nói bắt được ở núi Cấm, chứng tỏ nơi đây có điều kiện tốt để rắn sinh sống. Ngoài ra, về mặt tâm linh thì bắt ở đâu nên thả về nơi đó", ông Thư nói.

Nếu cặp rắn đủ sức khoẻ thì thả ngay, còn không sẽ do trung tâm quyết định giữ lại chăm sóc rồi sau đó mới thả về nơi phù hợp với các điều kiện sinh thái.

Ran ho mang anh 2
Cặp rắn hổ đang được chăm sóc, nuôi nhốt tại khu du lịch ở An Giang. Ảnh: Anh Minh. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang trăn trở, các loài động vật quý hiếm nhưng không gây hại cho người thì việc thả về tự nhiên rất vô tư. Còn loài gây nguy hiểm cho người thì cần phải cân nhắc điều kiện thả để không gây hại.

"Loài rắn này đang sống trong môi trường ổn định thì có thể không sao, chỉ là săn bắt mồi bình thường. Còn sau khi cặp rắn này bị bắt, nuôi nhốt trong thời gian vừa qua sẽ tạo khuynh hướng tự vệ, biết đâu khi thả về tự nhiên sẽ hung dữ, ông nói. 

Liên quan đến cặp rắn "khủng" doanh nghiệp thông tin đã bắt được dưới chân núi Cấm khi nhóm công nhân và kỹ sư thi công dự án điện mặt trời, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết ngành chức năng đã xác minh.

Qua nhận dạng ban đầu, đây là rắn hổ mang chúa, có trọng lượng khoảng 18 kg/con và chiều dài mỗi con là 4 m.

Ran ho mang anh 3
Huyện Tri Tôn (khoanh đỏ). Ảnh: Google Maps.

Cặp rắn bắt được dưới chân núi Cấm là hổ mang chúa

Hai con rắn bắt được dưới chân núi Cấm (An Giang) là hổ mang chúa, mỗi con nặng 18 kg và dài khoảng 4 m.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm