“Rất khó để phân cấp một, 2, 3 giữa các trợ lý thời ấy, nhưng tôi sẽ kể một câu chuyện. Khi HLV trưởng (Guus Hiddink) có việc chơi golf, ông ấy chỉ vào tôi rồi nói cánh tay phải của tôi đây rồi, tôi có thể đi thôi. Bởi vậy, tôi tự tin là người khá quan trọng với HLV trưởng. Ông Hiddink rất nổi tiếng và là người thầy tôi rất ngưỡng mộ”, HLV Park Hang-seo đã nói điều đó trong ngày ra mắt tuyển Việt Nam hôm 11/10/2017.
Ngày ông Park mới tới Việt Nam, người ta không gọi tên thật của ông. Các đầu báo đều viết “cựu trợ lý Guus Hiddink tại World Cup 2002”.
Với ông Park, Hiddink vừa là “sếp”, người thầy và bạn lớn - nhân vật có ảnh hưởng bao trùm tới sự nghiệp của ông nói riêng và cả nền bóng đá Hàn Quốc nói chung.
Park Hang-seo và Guus Hiddink là 2 người cộng sự cũ đồng thời là những người bạn lớn của nhau. Đồ họa: Minh Phúc. |
Park Hang-seo và ảnh hưởng của Hiddink vĩ đại
Trong bữa ăn của HLV Park Hang-seo và các trợ lý Hàn Quốc, quan hệ trên dưới được thể hiện rõ. Ông Park ngồi với vợ, trợ lý Lee Young-jin và khách. Toàn bộ nhóm trợ lý Hàn Quốc khác đều ngồi bàn bên.
Tính cách ấy, quan điểm ấy cũng là điều hợp lý với HLV xuất phát từ môi trường quân đội như Park Hang-seo. Tính cách ấy lẽ ra sẽ theo ông tới sân cỏ và có thể tạo nên chiến lược gia lạnh lùng, đầy kỷ luật. Tuy nhiên, những điều ông thể hiện trên thảm cỏ với tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam lại hoàn toàn khác: Thân tình, gần gũi và vô cùng ấm áp.
Đó là một trong những ảnh hưởng đầu tiên của Guus Hiddink tới ông Park.
Chia sẻ với New York Time năm 2002, tuyển trạch viên nguời Mỹ Dave Sarachan cho rằng: “Văn hóa của Hàn Quốc phụ thuộc vào việc ai lớn tuổi hơn, ai là sếp, ai là HLV trưởng. Đó là người sẽ bảo những người khác phải làm gì. Tuy nhiên, Guus lại có niềm tin vào năng lực ra quyết định của mỗi cá nhân. Bởi thế, ông ấy đã mang tới nhiều sự thoải mái hơn, khuyến khích họ (người Hàn Quốc) thể hiện bản thân nhiều hơn”.
Tư tưởng ấy từng khiến Hiddink bị chỉ trích khi bắt đầu dẫn dắt tuyển Hàn Quốc hồi đầu năm 2001. Sau này, nó lại là tiền đề giúp ông đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002 - kỳ tích vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Á - Phi. Tư tưởng của Hiddink đã tác động tới toàn bộ cộng sự trên hành trình ấy.
Park Hang-seo được Hiddink chúc mừng sau vòng chung kết U23 châu Á 2018. Ảnh: Spotv News. |
Ngày tới Việt Nam, ông Park nói: “Tôi muốn tạo ra nền bóng đá vui vẻ, thoải mái, đương nhiên là vẫn phải tấn công và chiến thắng”.
Nếu Hiddink khác với Louis van Gaal cao ngạo, Park cũng khác với Shin Tae-yong đầy kiêu hãnh, họ đều là những chiến lược gia nhân trị, muốn trở thành bạn của cầu thủ nhiều hơn là làm ông chủ. Và đó là bước đầu tiên dẫn họ tới thành công.
Tháng 2/2018, ngay sau vòng chung kết U23 châu Á, Hiddink đã ôm chầm lấy Park để chúc mừng khi 2 người gặp nhau trong một sự kiện ở Jongno-gu. Hôm qua (7/9), Hiddink ôm Park một lần nữa. Trước những cầu thủ U22 Việt Nam, hai người giờ là đồng nghiệp, là đối thủ ngang hàng. Hiddink xúc động: “Tôi rất tự hào vì người đàn ông này. Ông ấy đã giúp đỡ chúng tôi trong một thời gian rất dài từ năm 2002. Tôi rất tự hào. Người đàn ông này đã đưa các bạn (U23 Việt Nam) tới một đẳng cấp cao hơn đấy”.
Park đứng đó, không nói nên lời. Nhưng ông tháo kính, lấy tay lau mắt. Giữa họ không chỉ có tình đồng nghiệp mà còn cao hơn thế.
Đóng góp của Park Hang-seo ở World Cup 2002
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Park và Hiddink không phải là con đường một chiều.
Tháng 8/2001, hành trình chuẩn bị cho World Cup 2002 của Hàn Quốc vẫn mang tới nhiều băn khoăn. Tuyển Hàn Quốc với sơ đồ 4-3-3 chưa cho thấy họ sẵn sàng tới World Cup với bằng chứng là các trận thua 0-5 trước Pháp và CH Czech. Ông Hiddink buộc phải họp lại ban huấn luyện. Ông hỏi các trợ lý Hàn Quốc về những sơ đồ đang được triển khai ở K.League thời điểm đó. 2 người được hỏi là Park Hang-seo và Chung Hae-seong.
HLV Pim Verbeek, trợ lý Hà Lan của Hiddink năm ấy, kể lại với Zing.vn: “Ông Hiddink nghĩ có vẻ ở Hàn Quốc lúc đó, các câu lạc bộ thường chỉ chơi với 3 trung vệ chứ không quen với đội hình phòng ngự 4 hậu vệ. Ông ấy nghĩ chúng tôi quay trở lại chơi với sơ đồ 3 trung vệ ở phía sau có thể là quyết định đúng đắn. Vậy là chúng tôi thay đổi. Kể từ lúc đó, đội bóng đã vận hành một cách trơn tru”.
Sơ đồ 3 trung vệ ấy cũng là món quà đầu tiên HLV Park mang tới Việt Nam, trung tâm trong mọi sơ đồ chiến thuật của tuyển quốc gia và U23.
Phóng viên Zing.vn (trái) và trợ lý Hà Lan Pim Verbeek (giữa) của Guus Hiddink ở World Cup 2002 chụp tại UAE tháng 1/2019. |
Với Hiddink, các trợ lý Hàn Quốc đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong kỳ tích 2002. Là HLV Hà Lan, Hiddink cần có những chiến lược gia bản địa, kinh nghiệm và am hiểu. Tại World Cup 2002, người ông chọn là Park và Chung.
Verbeek tiếp tục: “Nhìn vào những buổi tập của chúng tôi thời ấy, chính nhờ việc ông Park là người Hàn Quốc, có khả năng giao tiếp tốt hơn với các cầu thủ, nên việc giám sát và triển khai các buổi tập dễ dàng hơn với ông ấy. Sau vài tháng, ông ấy đã bắt đầu hiểu những gì chúng tôi muốn thực hiện".
"Và trong giai đoạn cuối của chiến dịch chuẩn bị cho World Cup, HLV Park và HLV Chung là những người thường xuyên giám sát và thực hiện các buổi tập cho cầu thủ, và nó trở nên hiệu quả hơn. Nhờ lợi thế ngôn ngữ và sự tôn trọng mà các cầu thủ dành cho Park, mà ông ấy đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi. Ông Park là một người đặc biệt và quan trọng đối với chúng tôi”.
Khi ông Park và Verbeek gặp lại nhau ở lễ bốc thăm Asian Cup 2019 hồi năm ngoái, HLV người Hà Lan đã xúc động khi ông Park mang theo một món quà. Đấy là hộp sâm hảo hạng từ Hàn Quốc, được gói ghém cẩn thận. Ông Verbeek không chuẩn bị gì - điều mà ông vẫn hối tiếc cho tới tận bây giờ.
Với ông Park, đó là những bằng hữu ông chưa từng quên. Và đừng ai ngạc nhiên nếu sau trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Trung Quốc lúc 17h ngày 8/9, ông Hiddink cũng về nhà với hộp sâm hảo hạng.
Từ phải qua trái, Hiddink, Verbeek và Park Hang-seo tại World Cup 2002. Ảnh: Getty. |
Bóng đá Hàn Quốc dưới cái bóng Guus Hiddink
Đương nhiên, ông Park không phải là người Hàn Quốc duy nhất chịu ảnh hưởng từ Hiddink.
Sau thành công của World Cup 2002, bóng đá Hàn Quốc trải qua thời kỳ dài sống dưới cái bóng của Hiddink.
Để chuẩn bị cho Asian Games đến chỉ vài tháng sau, Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc họp khẩn. Họ quyết định người dẫn dắt Olympic dự Á vận hội Busan nhất định phải là thành viên Hàn Quốc trong ban huấn luyện của Hiddink, tức là một trong 2 người: Park Hang-seo hoặc Chung Hae-seong.
Xuyên suốt từ đó, người Hàn Quốc luôn đi tìm những người có phẩm chất tương tự Hiddink. 6 HLV ngoại đã dẫn dắt tuyển Hàn Quốc từ năm 2002 tới nay, 3 trong số đó tới từ Hà Lan. Một người là trợ lý trực tiếp của Hiddink (Pim Verbeek).
Thành công của Hiddink trở thành chuẩn mực của Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Đỉnh cao của ông cũng là thứ bóng đá Hàn không bao giờ còn vươn tới. 4 kỳ World Cup kế tiếp, Hàn Quốc 3 lần dừng bước tại vòng bảng, giành 3 chiến thắng - bằng đúng số trận thắng của Hiddink năm 2002.
Sơ đồ 3 trung vệ trở thành tiêu chuẩn của bóng đá Hàn Quốc. Tại World Cup 2006, chiến thắng duy nhất của tuyển Hàn trước Togo đến khi họ xuất phát bằng sơ đồ 3-4-3.
Năm 2002, Hiddink có 2 cầu thủ trong đội hình thi đấu ở châu Âu. 4 năm sau, Hàn Quốc đã có 5 người, 2 trong số đó chơi tại Hà Lan, và một người là Park Ji-sung.
Hiddink trở thành người nước ngoài đầu tiên được phong công dân danh dự tại Hàn Quốc. Ông được bay miễn phí trọn đời với Korean Air và Asiana Airlines, miễn phí taxi, nghỉ dưỡng, nhận căn hộ cao cấp ở Jeju và rất nhiều quyền lợi khác.
Sân Gwangju, nơi Hàn Quốc đánh bại Tây Ban Nha ở tứ kết, được đổi tên thành sân Guus Hiddink. Quê nhà của Hiddink tại Hà Lan trở thành điểm dừng chân hút khách Hàn Quốc. Tại đây, người Hàn tới thăm viện bảo tàng mang tên Guuseum, nơi nhiều hiện vật được gửi tới từ nơi cách đó nửa vòng trái đất.
Báo chí Hàn Quốc cho biết Hiệp hội bóng đá nước này từng muốn mời Hiddink trở lại làm Giám đốc kỹ thuật cho đội tuyển ở World Cup 2018, nhưng ông đã từ chối.
Kỳ công của Hiddink cũng mở đường cho làn sóng siêu HLV trở lại châu Á. Asian Cup 2019 vừa qua, Marcello Lippi, Sven Goran-Eriksson hay Hector Cuper là những siêu sao trên ghế huấn luyện, lấn át mọi học trò trong đội tuyển.
Với Park Hang-seo, với bóng đá Hàn Quốc, Hiddink mãi mãi là chuẩn mực, biểu tượng và huyền thoại.