“Đồ hiệu không hẳn cần thiết với tôi, nhưng chỉ cần có tiền để dành, tôi sẽ mua”, Guo Jiaxi, một kế toán tại Tô Châu, thu nhập gần 8.000 USD/năm, cho biết.
Guo thường dành 20% thu nhập để mua hàng hiệu. Cô là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ mới ở Trung Quốc, những người đang hồi sinh thị trường xa xỉ phẩm. Họ là những phụ nữ trẻ và không ngại tiêu tiền.
Guo thích Coach và Louis Vuitton. Cô từng mua vài chiếc khăn Acne Studio, đồng hồ Daniel Wellington hay thắt lưng Mont Blanc làm quà tặng.
Tầng lớp trung lưu trẻ tuổi ở Trung Quốc không còn xa lạ với chuyện mua sắm những món đồ đắt tiền. Ảnh: South China Monring Post. |
Thị trường màu mỡ
Theo công ty tư vấn Bain & Co, người tiêu dùng như Guo là đối tượng đóng góp lớn nhất đối với sự gia tăng chi tiêu cho hàng hóa xa xỉ ở Trung Quốc. Họ trở thành khách hàng mục tiêu của LVMH, Gucci hay Hermes trong chiến dịch tấn công vào thị trường tiêu dùng hàng hiệu hàng đầu thế giới.
Huang Yue, biên tập viên mục thời trang của website “Loving Luxury”, cho biết sự chuyển đổi khách hàng mục tiêu sang giới trẻ, tuổi từ 20-34 tại thị trường hàng cao cấp đang diễn ra nhanh chóng. Nhu cầu của những người trẻ cũng kéo theo sự tăng trưởng của những ngành hàng vốn không được xem là xa xỉ phẩm như thời trang đường phố hoặc trang phục thể thao cao cấp.
“Với một số người trẻ, dù không thật sự có nhiều tiền, họ vẫn mua những mặt hàng cao cấp”, Huang nói thêm.
Khách hàng nữ Trung Quốc kiểm tra lại món đồ hiệu sau khi được giao hàng. Ảnh: Reuters |
Thị trường hàng hiệu Trung Quốc năm 2017 trị giá 22,07 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước nhờ những người mua sắm trẻ tuổi. Ông Bain cho biết đây là "bước nhảy" xa nhất trong nửa thập kỷ tăng trưởng chậm chạp vừa qua.
Thị trường hàng hóa cao cấp ở Trung Quốc chiếm 8% tổng thị trường toàn cầu. Khách hàng Trung Quốc mua 75% số hàng hiệu của họ ở nước ngoài, chiếm 32% doanh số bán hàng trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành tập đoàn LVMH Bernard Arnault cho biết Trung Quốc là một thị trường “rất năng động”. Nhãn hàng Louis Vuitton của tập đoàn này đang hoạt động rất tốt ở đây.
“Trung Quốc đã có một sự trở lại tốt”, Arnault cho biết. Công ty của ông đang dần phục hồi ở Trung Quốc sau khởi đầu không thuận lợi vào năm 2016.
Nhãn hàng Gucci hay hãng rượu cognac Remy Cointreau là những công ty phát triển mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho biết việc khách hàng mở rộng sự lựa chọn nhãn hàng đang trở thành thách thức lớn đối với các nhãn hiệu truyền thống. Nhóm đối tượng khách hàng trẻ thường không trung thành với các nhãn hiệu truyền thống, thích theo các xu hướng trên mạng và tìm kiếm các chương trình khuyến mãi.
Thương hiệu túi xách Coach hay hãng thời trang Burberry đều có kết quả không như ý trong năm 2017. Prada, đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc, đang tích cực hợp tác với những nhân vật có ảnh hưởng trên Internet và xây dựng cửa hàng trực tuyến vào tháng 12/2017.
Các nhà bán lẻ trực tuyến như Alibaba hay JD vừa tung ra nền tảng bán hàng hiệu và thu hút nhiều nhãn hàng như Yves Saint Laurent, Stella McCartney hay Alexander McQueen.
Hàng dài người đứng chờ xếp hàng tại cửa hiệu Louis Vuitton ở Thượng Hải. Ảnh: Marketing to China |
Mua hàng hiệu bằng tiền của phụ huynh
“Người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi”, Liao Jianwen, giám đốc chiến lược của JD, trả lời Reuters. Ông cho biết khách hàng hiện nay muốn các sản phẩm chất lượng cao với “mức giá cạnh tranh”.
Càng chi tiêu nhiều, người tiêu dùng càng tiết kiệm. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẵn lòng mua hàng hóa đã qua sử dụng. “Bởi vì người ta biết có thể bán lại đồ, họ không quá khắt khe đối với ngân sách dành cho hàng hiệu”, Deng Yun, giám đốc điều hành của một trang web chuyên bán đồ hiệu đã qua sử dụng, cho biết.
Zhang Zia, 24 tuổi, chuyên gia đầu tư ở thành phố Trùng Khánh, cho biết cô sở hữu túi Dior, Louis Vuitton, trang sức Bulgari và từng có lần trả 23.695 USD cho một chiếc đồng hồ Piaget. Giờ thì cô khó tính hơn rồi.
“Càng ngày tôi càng chỉ tìm kiếm những mẫu mã và thiết kế độc đáo”, cô cho biết. “Tôi nghiêng về chất lượng và cảm giác mà sản phẩm mang lại. Nếu tìm được sản phẩm như vậy, tôi không cần thiết phải chọn một nhãn hiệu cao cấp”.
Giống như Guo, thỉnh thoảng cô phải xin giúp đỡ để trả tiền cho những món đồ. Giới trẻ có mức thu nhập trung bình thường nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ để chi trả các món đồ hiệu.
“Mức lương của tôi khá thấp, vì vậy bố mẹ giúp đỡ tôi một chút”, Guo chia sẻ.