Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ hôm 24/1, ông Lưu Hạc, ủy viên bộ Chính trị Trung Quốc đồng thời là "kiến trúc sư trưởng" cho chính sách kinh tế của Bắc Kinh, tiếp tục phát đi thông điệp ủng hộ toàn cầu hóa, cam kết mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, sản xuất và các ngành dịch vụ khác.
"Trung Quốc sẽ làm tốt hơn nữa để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dần giảm thuế nhập khẩu ôtô", AFP dẫn lời ông Lưu .
Trưởng đoàn Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Lưu Hạc. Ảnh: Reuters. |
Trong vai trò là trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Davos, ông Lưu cam kết thực hiện tự do hóa ngành dịch vụ tài chính tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Một số rào cản tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong các ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm cũng sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ông Lưu nhấn mạnh cải cách sẽ được tiến hành từng bước một.
Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với các nước G20 khác. Nguồn: AFP. |
Cũng trong bài phát biểu ngày 24/1, ông Lưu nhắc lại các mục tiêu chính của Trung Quốc trong những năm sắp tới bao gồm giải quyết các nguy cơ, giảm đói nghèo và kiểm soát ô nhiễm.
"Trung Quốc sẽ làm bầu trời xanh trở lại", ông Lưu nói.
Trong một buổi thảo luận cũng thuộc khuôn khổ sự kiện tại Davos, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chỉ trích rằng Trung Quốc, dù thường xuyên nói về toàn cầu hóa và mở cửa, lại là nước sử dụng nhiều chính sách bảo hộ thương mại.
Lưu Hạc, chính trị gia 66 tuổi, là "cánh tay phải" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kinh tế. Kể từ khi được đưa vào bộ Chính trị sau đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, Lưu được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong vận hành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giới quan sát dự đoán sau nhiều năm đóng vai trò quân sư sau hậu trường, nhà kỹ trị từng theo học tại Đại học Harvard này sẽ được bổ nhiệm vào vị trí phó thủ tưởng phụ trách kinh tế và tài chính của Trung Quốc tháng 3 tới.
Ông Lưu từng là "công trình sư" đằng sau chính sách cải cách "trọng cung" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài việc cắt giảm việc sản xuất dư thừa, một trong những chính sách khác của cải cách này là cắt giảm nợ công ở các chính quyền địa phương và các khoản vay xấu ở ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia nhận định Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm nay là màn ra mắt dành cho ông Lưu.