Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới làm phim muốn có tiêu chí khoa học về cảnh nóng trong kiểm duyệt

Giới làm phim cho rằng các tiêu chí phân loại, dán nhãn độ tuổi càng rõ ràng, chi tiết sẽ khiến nhà sản xuất, đạo diễn chủ động hơn trong việc thực hiện tác phẩm.

Câu chuyện cởi trói cho điện ảnh Việt ngay từ khâu kiểm duyệt được nhắc đến nhiều trong những năm qua. Mới đây, dự thảo thông tư “Quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo, hiển thị mức phân loại phim” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào Luật Điện ảnh 2022 được thông qua vào giữa tháng 6, trước khi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11.

So với thông tư được ban hành vào năm 2015, dự thảo thông tư có nhiều điểm mới về tiêu chí phân loại phim, dán nhãn độ tuổi và kiểm duyệt phim. Tuy nhiên, nhiều quy định trong thông tư vẫn còn định tính, thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho giới làm phim

Trao đổi với Zing, các đạo diễn, nhà sản xuất mong muốn qua mỗi lần chỉnh sửa và thay đổi đều dựa trên tình hình thực tế, xu thế phát triển của ngành điện ảnh, thông tư sẽ có những quy định, nội dung cụ thể, chi tiết để giúp nhà làm phim chủ động, mở rộng biên độ sáng tạo.

Mức phân loại mới được giới làm phim ủng hộ

Đạo diễn Bảo Nhân cho biết việc dự thảo thông tư có các mức xếp loại mới cho phim điện ảnh gồm: Loại P - phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại K - phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại C - phim không được phép phổ biến là thay đổi theo hướng tích cực và cởi mở so với thông tư trước.

Đặc biệt, việc có thêm phân loại K là nội dung được xem như một tia sáng mới, cởi trói cho những vướng mắc trong phân loại phim trước đây.

“Với các mức phân loại phim mới, ở góc độ nhà sản xuất, chúng tôi sẽ đánh giá được mức độ nội dung nào sẽ phù hợp với đối tượng khán giả mà ê-kíp nhắm đến. Thêm một tiêu chí đánh giá thì càng giúp chúng tôi có góc nhìn để mở rộng đối tượng trong quá trình sản xuất nội dung cho phù hợp tiêu chí kiểm duyệt”, nam đạo diễn chia sẻ với Zing.

Tiêu chí dán nhãn cần phải khoa học

Chung quan điểm, đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng việc dán nhãn phim theo độ tuổi và chi tiết như nhãn K là điểm phân loại mới khá tích cực, mở rộng thêm nhóm đối tượng có thể tiếp cận với phim điện ảnh ở những nội dung phù hợp.

Theo cha đẻ của Người lắng nghe, vấn đề cần quan tâm ở đây là những tiêu chí được dùng để xem xét dán nhãn phải rất khoa học. Anh cho rằng cần tiêu chí cụ thể để chọn phim dán nhãn P hay K. Tương tự, với T16 và T18, ranh giới giữa các độ tuổi xem phim khá mong manh.

Để dán nhãn độ tuổi cho từng phim, hội đồng kiểm duyệt thường dựa vào yếu tố như cảnh nóng, khỏa thân, bạo lực, kinh dị, ma túy và các chất kích thích…

Điều 3 trong dự thảo thông tư quy định về nội dung để đánh giá phân loại phim: Phim cần mô phỏng "hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật hay chân thực". Ở những phim T13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi), yêu cầu các cảnh tình dục không được "mô tả thường xuyên và chi tiết", "không kéo dài".

Đạo diễn Khoa Nguyễn nói các khái niệm kể trên như “nghệ thuật”, “chân thực” còn quá trừu tượng. Tiêu chí kiểm duyệt cảnh nóng cũng còn mơ hồ.

“Cách diễn đạt trong các quy định khiến người đọc có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Điều này sẽ tiếp tục khiến cho các nhà làm phim bối rối và hội đồng kiểm duyệt lúng túng khi áp dụng vào trong thực tế sản xuất cũng như kiểm duyệt phim. Theo tôi nên có phần giải thích cụ thể hơn cho các tiêu chí này để giữa các nhà làm phim và hội động kiểm duyệt có thể cùng hiểu đúng, hiểu đủ quy định”, đạo diễn chia sẻ.

Kiểm duyệt phim ngày càng cởi mở

Thực tiễn cho thấy một năm trở lại đây, câu chuyện kiểm duyệt phim Việt đã tiến thêm một bước mới. Điều đó thể hiện rõ nhất trong loạt phim điện ảnh ra mắt trong nửa đầu năm nay như Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà, Người tình hay gần nhất là Vô diện sát nhân.

Những cảnh làm tình nóng bỏng, táo bạo trong Bẫy ngọt ngào, Người tình hay cảnh ma quỷ, tâm linh trong Chuyện ma gần nhà, Vô diện sát nhân hầu như không bị cắt bỏ.

Nhìn nhận về điều này, đạo diễn Bảo Nhân cho rằng việc kiểm duyệt phim ngày càng thoáng hơn, nhờ vậy giới làm phim có điều kiện mở rộng biên độ sáng tạo về thể loại và nội dung.

Người cầm trịch của Gái già lắm chiêu nói hiện tại anh và ê-kíp đã bắt đầu biết cách cân đối nội dung để hướng tới tiêu chí kiểm duyệt phim hơn những năm trước. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn còn định tính dựa trên kinh nghiệm làm phim với các tiêu chí về tình dục, bạo lực… Vì thế, anh mong muốn sớm có bảng tiêu chí cụ thể, rõ ràng và chi tiết cho các hạng mục kể trên.

“Bộ phim gần nhất của tôi là Cô gái từ quá khứ thuộc thể loại li kì, giật gân và không thể thiếu cảnh bạo lực, máu me, tình dục. Vì thế, khi mới bắt tay thực hiện, tôi phải chỉnh sửa, cân đối từ khâu kịch bản. Kịch bản lên tới 27 phần để làm sao vẫn giữ được tinh thần và thể loại giật gân với các cảnh quay có yếu tố bạo lực, tình dục nhưng vẫn phải qua được kiểm duyệt chứ không bị cắt bỏ hay phải chỉnh sửa”, anh kể lại.

kiem duyet canh nong anh 5

Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng tiêu chí phân loại phim, cảnh nóng. Ảnh: Phương Lâm.

Đạo diễn Khoa Nguyễn cũng đồng thuận rằng việc kiểm duyệt phim Việt ở thời điểm hiện tại thông thoáng so với giai đoạn trước đó. Bản thân anh cũng không gặp khó với tác phẩm đầu tay Người lắng nghe thuộc thể loại tâm lý, kinh dị.

“Tuy nhiên, thực tiễn rất phong phú. Tôi vẫn cho rằng các cơ quan ban ngành cần tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản biện từ giới làm phim để tiếp tục sửa đổi, chỉnh sửa bảng tiêu chí theo hướng gần gũi với thực tế cuộc sống. Tiêu chí càng cụ thể càng giúp đạo diễn, nhà sản xuất, kiểm duyệt phim có cùng cách nhìn, cách hiểu đối với nội dung được xem xét, kiểm duyệt”, anh nêu quan điểm.

Với đạo diễn Lương Đình Dũng, anh chia sẻ Luật Điện ảnh đang tạo độ mở rộng và bám sát hơn với tình hình thực tế điện ảnh Việt Nam cũng như tiệm cận xu thế phát triển của thế giới. Hội đồng kiểm duyệt phim đang dần hiểu những khó khăn của giới làm phim trong nước để điều chỉnh những quy định phù hợp.

“Vấn đề quan trọng nhất và quyết định cuối cùng của nhà làm phim là chất lượng tác phẩm. Sáng tạo là không có khung và không nằm trong khuôn thước nào. Nếu nhà làm phim có đủ khả năng lý luận và chuyên môn tốt, họ sẽ chọn được góc thể hiện nghệ thuật, cách lý luận trước hội đồng duyệt để bảo vệ tác phẩm của mình”, anh nói với Zing.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết tiếp nhận ý kiến của các nhà sản xuất, đạo diễn đối với dự thảo thông tư. Ông cho biết Cục Điện ảnh cùng ban soạn thảo sẽ trao đổi, thống nhất xây dựng các tiêu chí rõ ràng nhất có thể để các đơn vị tự dán nhãn cho phim.

Cục trưởng cho biết so với Luật Điện ảnh 2006 và 2009, Luật Điện ảnh mới có nhiều điểm thay đổi tích cực, cởi mở trong xét duyệt để tạo sân chơi thoải mái cho các nhà làm phim, phù hợp xu thế phát triển của điện ảnh quốc tế.

Showbiz Việt dễ gánh hệ lụy vì TikToker tai tiếng

Nhiều TikToker tấn công showbiz trên các lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, thời trang, game show. Nhưng do chất lượng chuyên môn của TikToker chưa đảm bảo, ngành giải trí dễ gánh hệ lụy.

TikTok tràn ngập video tóm tắt phim Việt là hành vi độc hại, ăn cắp

Thực trạng video gắn mác "review" tràn lan trên TikTok gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, các nhà phát hành, các công ty sở hữu bản quyền chịu thiệt hại lớn.

Tâm An

Bạn có thể quan tâm