Nằm ở phía đông nam và cách TP.HCM hơn 50 km, đặc trưng nổi tiếng của Cần Giờ là những khu rừng ngập mặn xanh mướt cùng hệ thống sông ngòi dày đặc và hệ động thực vật phong phú cả trên cạn lẫn dưới nước. Đóng vai trò như “lá phổi xanh” của TP.HCM, rừng ngập mặn Cần Giờ từng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000.
Khu dự trữ sinh quyển rộng gần 76.000 ha
Hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích 75.740 ha. Rừng được chia làm 3 vùng chính là lõi, chuyển tiếp và đệm, chiếm diện tích lần lượt là 4.721 ha, 29.880 ha và 41.139 ha. Với lượng lớn phù sa bù đắp từ sông Đồng Nai và chịu tác động của các đợt thủy triều do kế cận biển, nơi đây trở thành nơi cư ngụ của nhiều loại động, thực vật.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích 76.000 ha. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực và hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Do đó, nơi đây phát triển quần thể gồm cả các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh. Trong đó có nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc danh mục sách đỏ.
Theo ghi nhận gần nhất, rừng có 157 loại thực vật thuộc 76 họ; trong đó có 35 loại cây rừng ngập mặn thuộc 24 họ, 36 chi. Các loài cây chủ yếu ở rừng ngập mặn Cần Giờ là bần trắng, mắm trắng, đước đôi, ổi, trang, đứng … Ngoài ra, tại đây có thể tìm thấy nhiều loại cây nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng…
Những tán rừng xanh là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên dưới những tán rừng xanh mướt và tươi tốt là hệ động vật phong phú. Trong đó, hệ động vật thủy sinh không xương sống có trên 700 loài, hệ cá trên 130 loài. Khu hệ thú có 19 loài, 13 họ, 7 bộ, nổi bật là mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm, nhím… Khu hệ lưỡng thê, bò sát có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát. Đặc biệt, sách đỏ Việt Nam ghi nhận rừng ngập mặn Cần Giờ có 11 loài bò sát quý hiếm như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, cá sấu hoa cà…
Khu dự trữ sinh quyển này còn được ví như “sân ga” của các loài chim di cư. Đây là nơi cư ngụ của hơn 130 loài chim thuộc 47 họ, 17 bộ. Đến đây, du khách có thể bắt gặp nhiều loài chim quý như bồ nông chân xám, diệc xám, vạc, già đẫy, giang sen… kiếm ăn trên các kênh rạch, đầm lầy…
“Lá phổi xanh” của TP.HCM
Với hệ động thực vật đa dạng, rừng ngập mặn Cần Giờ là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời được kỳ vọng trở thành khu du lịch trọng điểm của cả nước. Quan trọng hơn cả, khu dự trữ sinh quyển này đóng vai trò như “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu và lọc không khí cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cùng với “lá phổi xanh”, rừng ngập mặn Cần Giờ còn được ví là “quả thận” giúp lọc sạch nguồn nước từ sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn trước khi đổ ra biển Ðông.
Nơi đây còn được xem là lá chắn trước tác động của bão lũ hay sự bào mòn từ dòng chảy của thủy triều, sóng biển. Hệ rễ cây chằng chịt của rừng có khả năng làm giảm năng lượng tác động của sóng biển, nhờ đó hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở. Nhờ khả năng giữ, cố định vật chất lơ lửng và phù sa, rừng ngập mặn có thể giúp bồi đắp “vùng đất mới”, đồng thời giảm tác động của tình trạng nước biển dâng cao, xâm nhập mặn.
Rừng ngập mặn Cần Giờ giữ vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra những rừng ngập mặn ven biển như Cần Giờ còn đóng vai trò như bể chứa carbon, góp phần chống lại sự nóng lên toàn cầu. Một cuộc kiểm tra 25 khu rừng ngập mặn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy mỗi ha rừng ngập mặn chứa lượng carbon cao gấp 4 lần so với khu rừng mưa nhiệt đới. Cụ thể, khi rễ, cành và lá của cây rừng ngập mặn rụng xuống, chúng thường được đất bao phủ sau đó chìm trong thủy triều, làm chậm quá trình phân hủy vật chất và tăng cường lưu giữ carbon.
Hồi sinh kỳ diệu từ “vùng đất chết”
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam. Nhìn những cánh rừng xanh trải dài tít tắp, ít ai hình dung được nơi này từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong chiến tranh, nơi đây được ví như vùng đất chết, hứng chịu sự tàn phá của bom đạn và chất độc da cam. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau đó, cánh rừng hồi sinh diệu kỳ nhờ nỗ lực “phủ xanh” của chính quyền, người dân địa phương và tình nguyện viên khắp cả nước, trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.
Sau chiến tranh, các chiến dịch trồng rừng bắt đầu được triển khai mạnh mẽ, hàng chục ha rừng Sác hồi sinh, các loài tôm cá và động vật bắt đầu trở lại cư ngụ. Đến năm 1978, khi Cần Giờ được sáp nhập về TP.HCM, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có những hành động thiết thực, đưa ra mục tiêu làm sống lại tới 31.000 ha rừng trồng và tự nhiên.
Nhờ đó, từ năm 1978 đến 2019, tổng diện tích trồng rừng tại Cần Giờ đạt 23.079 ha, góp phần tạo điều kiện môi trường thuận lợi để rừng tự nhiên phục hồi trở lại. Trong đó, cây trồng chính là loài đước đôi (chiếm hơn 92%) và các loại cây khác như dà, đưng, cóc trắng, vẹt, sú, gõ nước…
Rừng ngập mặn Cần Giờ hồi sinh kỳ diệu từ vùng đất chết do chiến tranh tàn phá. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đến nay, màu xanh của rừng ngập mặn Cần Giờ liên tục được mở rộng qua mỗi năm. Các chiến dịch trồng rừng và hoạt động tuyên truyền bảo vệ rừng không ngừng được nối dài, giúp khu dự trữ sinh quyển này phát triển bền vững, duy trì vai trò là “lá phổi xanh” của TP.HCM.
Nhằm góp phần viết tiếp hành trình ý nghĩa ấy, Zing News cùng Giao Hàng Tiết Kiệm triển khai chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”, đóng góp 1.000 cây xanh tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Sự kiện trồng rừng được tổ chức vào ngày 4/6 với sự tham gia của đội ngũ cán bộ nhân viên Zing News và Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm. Chương trình kỳ vọng giúp người tham gia được kết nối với thiên nhiên, hiểu hơn về vai trò của rừng ngập mặn đối với môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như sinh kế của người dân.
Qua hoạt động trồng rừng thiết thực, chương trình không chỉ góp “màu xanh” cho Cần Giờ, mà còn mong muốn lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành nhận thức về bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Việc bảo vệ những “lá phổi xanh” sẽ mang đến tác động tích cực đến môi trường, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Zing News cùng Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) đồng hành trong chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” đóng góp 1.000 cây xanh tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.
GHTK là công ty công nghệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính với ưu thế tốc độ, mạng lưới khắp toàn quốc và có thế mạnh trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động của mình.
Để biết thêm thông tin về chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”, độc giả truy cập tại đây. Tham khảo thông tin về GHTK và các hoạt động đóng góp cho cộng đồng tại website https://giaohangtietkiem.vn/.
Bình luận