“Đến nay, các nước trên thế giới, kể cả các nước có biển và các nước không có biển đã dịch chuyển địa chiến lược, từ phát triển dựa vào không gian đất liền tiến ra dựa vào không gian biển”, PGS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở đầu bài phát biểu tại hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” tổ chức ngày 30/3.
Với TP.HCM, PGS Thế Anh đánh giá chiến lược phát triển kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị Cần Giờ - Gò Công - Vũng Tàu có thể xây dựng vị thế quốc tế mới cho thành phố.
“TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam, mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với vịnh Cần Giờ”, PGS Thế Anh nói.
TP.HCM tiến ra biển
Phân tích kỹ hơn, chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Xuân Anh, nhận định việc tạo dựng mối liên kết mặt tiền biển Gò Công Đông - Cần Giờ - Vũng Tàu thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, không chỉ mang lại lợi ích cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn mở ra cơ hội thông thương đường thủy mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS Lưu Thế Anh khẳng định TP.HCM có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn. |
Ông Xuân Anh cho biết toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rộng lớn chỉ có một cửa biển ra với quốc tế là vịnh Cần Giờ - Gành Rái.
Vùng mặt nước bao quanh Cần Giờ tiến sâu vào đất liền theo mạng lưới sông Sài Gòn - Đồng Nai tạo nên một vòng cung nước hình chữ U với mặt tiền sông dài tới 160km rất tiện lợi cho tàu biển tiến sâu và cặp bến trong đất liền.
Cụ thể, xung quanh mặt nước vịnh Cần Giờ là các luồng thuỷ Cái Mép, Thị Vải, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Soài Rạp là chuỗi đô thị cửa biển của các tỉnh trong vùng.
Điểm bắt đầu là Vũng Tàu với cảng Sao Mai Bến Đình và Trung tâm Dầu khí Long Sơn. Tiếp theo là Phú Mỹ với chuỗi cảng Cái Mép - Thị Vải. Tiếp đến là Nhơn Trạch - Long Thành với sân bay tương lai, khu công nghiệp, thành phố mới, chuỗi bến trên sông Đồng Nai.
Đầu mối chuỗi là trung tâm TP.HCM với cảng Cát Lái. Phía Tây có cảng Hiệp Phước, Long An và Gò Công Đông tiềm năng.
Hình hài đô thị biển Cần Giờ
Với địa thế của Cần Giờ, KTS Xuân Anh nhận xét đây là khu vực đồng thời mang hai chức năng sống còn đối với toàn vùng. Một là không gian sinh thái ngập mặn điều hoà chất lượng nước và khí hậu như lá phổi và quả thận của toàn vùng. Hai là chức năng vận tải đường thuỷ cho hệ thống cảng biển vây quanh.
“Cần Giờ phải trở thành điểm giao thoa của môi trường tự nhiên, văn hoá và kinh tế của các tỉnh trong vùng, và giữa vùng với quốc tế. Tại đây sẽ phát triển đô thị du lịch - ngoại thương, nơi cung cấp điểm giao dịch cho thương gia hoạt động liên quan toàn bộ hệ thống cảng thị Cần Giờ xung quanh”, KTS Xuân Anh nêu quan điểm.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cho rằng ngoài chức năng khu rừng ngập mặn, Cần Giờ còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển.
Nếu nhìn TP.HCM với vai trò là thành phố biển hiện đại, huyện Cần Giờ là vùng duy nhất tiếp giáp cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng chính là điểm giáp biển để phát triển các loại hình kinh tế biển.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ (giữa). Ảnh: Phạm Ngôn. |
“TP.HCM muốn tiến ra biển, phát triển kinh tế biển, phải qua Cần Giờ. Vấn đề chính là tạo được quan hệ cộng sinh giữa đô thị, du lịch và rừng ngập mặn”, GS Võ chia sẻ.
GS Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện Tài nguyên và Môi trường, đề xuất vịnh Cần Giờ phải phát triển thành một đô thi sinh thái hiện đại, thông minh, dựa trên đặc trưng văn hóa - xã hội của địa phương theo hướng thuận thiên, gắn kết với khu dự trữ sinh quyển. Theo GS Học, nguyên lý cơ bản khi phát triển Cần Giờ là “bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu Jean Jacques Bouflet bày tỏ sự quan tâm với dự án "Thành phố xanh Cần Giờ" kết hợp giữa bảo tồn khu dự trữ sinh quyển và phát triển đô thị.
"Nếu làm tốt, đây sẽ là mắt xích quan trọng để kết nối TP.HCM với vùng và quốc tế. Việc phát triển đô thị xanh sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế trong tương lai", ông Bouflet đánh giá.
Phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định tầm nhìn phát triển theo hướng biển, kinh tế biển là phù hợp với xu thế hiện nay thế giới.
TP.HCM có tiềm năng hình thành một chuỗi đô thị biển, phát triển kinh tế biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công. Trong đó, TP.HCM sẽ là hạt nhân, động lực phát triển cho cả vùng với sự phân công rõ ràng chức năng của các địa phương xung quanh. Liên kết vùng đóng vai trò quan trọng. TP.HCM sẽ kiến nghị cơ chế điều phối vùng, cơ chế chính sách để phát triển chủ động, sáng tạo.
Ông Hoan đồng thời nhấn mạnh TP.HCM luôn quan tâm kiểm soát và bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững. Phó chủ tịch TP.HCM khẳng định phải phát triển kinh tế nhưng không tác động bất lợi với môi trường.
“Chính quyền, doanh nghiệp đều phải có ý thức bảo vệ môi trường. Mọi khâu trong phát triển kinh tế biển đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc gì có lợi và đảm bảo môi trường thì chúng tôi cho làm. Còn có lợi về kinh tế nhưng bất lợi về môi trường thì cân nhắc, không chấp nhận”, ông Hoan khẳng định.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nhắc lại việc TP.HCM đang có chiến lược phát triển các huyện thành quận trong tương lai, ông Hoan thông tin định hướng với huyện Cần Giờ sẽ trở thành một thành phố chứ không dừng ở một quận.
“Cần Giờ chỉ có hai đầu bắc, nam để tập trung phát triển. Đó sẽ là những đô thị du lịch sinh thái hiện đại trong tương lai. Sẽ không còn sản xuất nông nghiệp ở Cần giờ và bảo đảm môi trường dự trữ sinh quyển thật tốt. Cần Giờ có những điều kiện có thể đi nhanh hơn, thuận lợi hơn so với các huyện khác để lên cấp quận, thành phố và cũng đã có nhà đầu tư đầu tư vào”, ông Hoan chia sẻ.
Cuối cùng, lãnh đạo TP.HCM chia sẻ các nội dung tại hội thảo sẽ được tập hợp, đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế biển của TP. Đồng thời, ông chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia để góp ý giúp doanh nghiệp triển khai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Bình luận