Trong buổi hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” tổ chức ngày 30/3, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chia sẻ TP.HCM có định hướng đưa huyện Cần Giờ sẽ trở thành một thành phố chứ không chỉ dừng ở một quận.
“Cần Giờ chỉ có hai đầu bắc, nam để tập trung phát triển. Đó sẽ là những đô thị du lịch sinh thái hiện đại trong tương lai. Sẽ không còn sản xuất nông nghiệp ở Cần Giờ và bảo đảm môi trường dự trữ sinh quyển thật tốt. Cần Giờ có những điều kiện có thể đi nhanh hơn, thuận lợi hơn so với các huyện khác để lên cấp quận, thành phố và cũng đã có nhà đầu tư đầu tư vào”, ông Hoan chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm Cần Giờ có những tiềm năng, giá trị lớn nhưng chưa được khai thác xứng tầm.
Giá trị Cần Giờ đang bị lãng quên
Theo PGS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐHQG Hà Nội), khu vực biển Cần Giờ đang bị lãng quên, giá trị hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được phát lộ để khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của TP.HCM.
GS Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện Tài nguyên và Môi trường, cũng đánh giá những tiềm năng của Cần Giờ chưa được phát huy một cách tương xứng, dẫn đến kinh tế khu vực chưa phát triển và đời sống người dân vẫn còn nghèo.
GS Học liệt kê nhiều lợi thế của Cần Giờ như là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng tây nam - đông bắc, giáp các cửa sông lớn từ sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.
Trên 70% diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha của huyện là rừng ngập mặn và sông rạch. Cần Giờ là nơi có khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận với hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, động thực vật phong phú.
Chuyên gia cho rằng những tiềm năng của Cần Giờ chưa được khai thác xứng tầm. |
Ngoài ra, biển Cần Giờ có dạng một vịnh có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng. Đây là những lợi thế rất lớn để tổ chức không gian hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong tương lai.
Vịnh Cần Giờ còn là mặt tiền tiến ra biển của toàn bộ vùng TP.HCM và cửa ngõ trung tâm của vòng cung biển Vũng Tàu - TP.HCM - Tiền Giang và toàn bộ Đông Nam Bộ. Do đó, Cần Giờ có tiềm năng tạo đột phá dựa trên mũi nhọn phát triển đô thị biển và cảng biển của TP.HCM trong liên kết vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với động lực chủ đạo kinh tế biển xanh, kinh tế du lịch sinh thái và đổi mới sáng tạo.
Bài toán bảo tồn và phát triển
Chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Xuân Anh đánh giá để thực hiện hoài bão về mặt tiền biển mới Cần Giờ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thách thức lớn nhất là đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển với bảo tồn tự nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cũng khẳng định chính quyền TP luôn cân nhắc, tính toán việc phát triển kinh tế song song với duy trì, bảo tồn hệ sinh thái đặc thù của Cần Giờ. “Việc phát triển không được phá vỡ sinh quyển, sinh thái và phải phát huy được giá trị của vùng tiếp giáp biển”, ông Nhã khẳng định.
Nghiên cứu của PGS Lưu Thế Anh và PGS Nguyễn Ngọc Khánh nhận định trong trường hợp của Cần Giờ, nếu chỉ bảo tồn mà không phát triển, đó sẽ là sự bảo tồn thụ động nhưng ngược lại phát triển mà không đầu tư và gắn với bảo tồn lại là sự phát triển thiếu bền vững.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được phê duyệt chủ trương đầu tư 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Hai chuyên gia này cho rằng mô hình phát triển đảm bảo giữa bảo tồn và phát triển ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ có thể được định hướng là tài nguyên đa dạng, sinh kế hòa hợp và phát triển hài hòa.
Hai vị PGS đề xuất những giải pháp gồm xây dựng khối liên kết bốn nhà gồm Nhà nước - Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà khoa học - Cộng đồng dân cư hài hòa trách nhiệm và lợi ích giữa bảo tồn, phát triển đối với huyện Cần Giờ. Song song đó, cần nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại khu vực này, chú trọng phát triển chiến lược thúc đẩy thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, hướng tới giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu tài nguyên thô tại đây.
Bình luận