Các tàu ngầm lớp Kilo HQ -182 và HQ-183 của Việt Nam. |
Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, năng lực lớn nhất của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở khả năng "răn đe", tức là tăng cường tiềm lực quốc phòng để những kẻ rắp tâm gây sự phải chùn tay. Tại một hội nghị quốc tế về chính sách hàng hải được tổ chức tại Ma Cao hôm 20/9, ông Thayer cho rằng, chính tình hình phức tạp tại Biển Đông đã khiến Việt Nam đẩy mạnh hơn chương trình hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là Hải quân.
Giáo sư Thayer bình luận bản hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo của Việt Nam từ năm 2009 đã bắt đầu phát huy tác dụng. Hiện nay, hải quân Việt Nam đã có hai chiếc Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chiếc thứ ba là Hải Phòng sẽ được bàn giao vào tháng 11 tới đây, chiếc thứ tư là Đà Nẵng đã được Nga hạ thủy hồi tháng 3/2014 và đang trong quá trình chạy thử. Hai chiếc còn lại là Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được hạ thủy vào tháng 9/2015 và bàn giao đầy đủ cho Việt Nam vào năm 2016.
Theo chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia, một khi bắt đầu hoạt động, với vũ khí, trang bị tối tân, các tàu ngầm của Việt Nam sẽ thực thi song song hai nhiệm vụ, gồm việc giúp phát hiện tàu lạ ở khu vực ngoài khơi bờ biển Việt Nam và các vùng xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tăng cường sức răn đe của Việt Nam trong trường hợp bị kẻ thù bất ngờ tung quân đánh chiếm các đảo, bãi đá do Việt Nam đang kiểm soát ở Biển Đông.
Ông Thayer cho rằng, hạm đội tàu ngầm sẽ mang lại cho Việt Nam một năng lực chống tiếp cận, chống chiếm giữ (A2/AD) dù hạn chế nhưng vô cùng hữu ích.
Giáo sư Lyle Goldstein thuộc Học viện Hải quân Mỹ cho biết, chính giới quân sự Trung Quốc cũng đã phân tích khá kỹ năng lực quốc phòng của Việt Nam và tán đồng quan điểm rằng, không được phép coi thường các loại vũ khí mà Việt Nam đang sở hữu.
Theo ông Goldstein, tàu ngầm Kilo của Việt Nam có khả năng đánh những đòn chí mạng bằng ngư lôi hay tên lửa hành trình chống hạm. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các "đòn chí mạng" ấy đến đâu thì vẫn chưa rõ ràng bởi Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm trong việc sử dụng và vận hành hệ thống vũ khí phức tạp như tàu ngầm, nên Việt Nam cần khai thác tối đa những lợi thế sẵn có của mình là ngoại giao và luật pháp để giải quyết tranh chấp.
Chuyên gia Brain Benedictus đánh giá rất cao đội chiếm hạm lớp Gerpard, Molniya của Việt Nam. |
Có cùng quan điểm "không được phép đánh giá thấp Việt Nam" nhưng nhiều chuyên gia khác lại khẳng định sự lợi hại của Việt Nam không nằm ở yếu tố vũ khí mà ở vị trí địa lý. Chuyên gia Gary Li cho rằng, Việt Nam hiện nắm giữ nhiều đảo nhất tại quần đảo Trường Sa và nếu muốn đánh chiếm vùng này, tàu Trung Quốc phải di chuyển rất xa.
"Việt Nam có chủ quyền đối với một khu vực nằm ngay trước thềm nhà mình. Đội tàu chiến và tàu ngầm của Việt Nam có thể tấn công và rút lui về căn cứ dễ dàng trong lúc các hạm đội của Trung Quốc phải lênh đênh rất lâu trên biển. Việt Nam chỉ cần áp dụng chiến thuật du kích nổi tiếng của họ. Đó là một chiến lược phi đối xứng và nếu được kết hợp với một liên minh tốt thì tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc sẽ thất bại", ông Li nhận định.
Trong khi đó, Brain Benedictus, chuyên gia về địa chính trị khu vực Đông Á của Đại học Ohio, Mỹ, đánh giá rất cao đội chiếm hạm lớp Gerpard, Molniya của Việt Nam cũng như tàu ngầm lớp Kilo, và cho rằng những khí tài mới này sẽ giúp Việt Nam có được năng lực tung lực lượng ra Biển Đông và "giáng cho đối phương những tổn thất lớn, buộc mọi kẻ thù phải tính toán kỹ trước khi thách thức Hải quân Việt Nam".